Khắc phục công trình hư hỏng: Khó khăn về nguồn vốn

03:11, 16/11/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau bão, lũ, chính quyền và người dân đang từng bước khôi phục đời sống, sản xuất. Song, việc khắc phục các công trình hạ tầng giao thông, trường học, đê kè, tái định cư vùng sạt lở... đang là bài toán khó, vì nguồn kinh phí hạn hẹp, trong khi nhu cầu lại quá lớn.
[links()]
Cần nguồn kinh phí hỗ trợ lớn
 
Chỉ riêng bão số 9, ước tính tổng thiệt hại của Quảng Ngãi đã lên đến gần 4.850 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở bị thiệt hại hoàn toàn 325 căn, tốc mái, hư hỏng 140.033 căn; 450 trường học, 70 cơ sở y tế, 105 nhà văn hóa thôn bị tốc mái, hư hỏng; hàng chục ngàn hécta hoa màu bị hư hại; hàng trăm nghìn hécta rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị đổ gãy, thiệt hại; 72 công trình đập dâng; 4 trạm bơm, 3.000m đê kè; hơn 5.500m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng. Về giao thông: 14 tuyến giao thông tỉnh quản lý và 53 tuyến huyện, xã quản lý bị hư hỏng; 50 điểm giao thông bị sạt lở, 10 cầu bị hư hỏng, cuốn trôi... Đặc biệt, các huyện Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, Trà Bồng... đã xảy ra hàng chục điểm sạt lở.  
 
Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân thôn Cưa, xã Trà Hiệp (Trà Bồng).
Sạt lở đe dọa cuộc sống người dân thôn Cưa, xã Trà Hiệp (Trà Bồng).
Để giúp người dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất, Quảng Ngãi đã sử dụng tất cả các nguồn kinh phí hiện có để thực hiện hỗ trợ; trong đó, ưu tiên hỗ trợ mức tối đa đối với các hộ dân có nhà bị sập đổ hoàn toàn, hỗ trợ khắc phục khẩn cấp các trường học, bệnh xá, bệnh viện cấp huyện bị hư hỏng, nhằm phục vụ các nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại quá lớn, trong khi ngân sách của tỉnh hiện rất khó khăn do hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng (do ảnh hưởng của dịch Covid-19), việc huy động hỗ trợ từ doanh nghiệp trong tỉnh là không thể.
“Quảng Ngãi không đủ nguồn kinh phí để cùng một lúc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng khắc phục công trình sau bão số 9. Vì vậy, tỉnh sẽ lần lượt giải quyết theo thứ tự ưu tiên, việc gì cấp thiết thì làm trước. Một số công trình cấp bách, ổn định dân cư sẽ đưa vào đầu tư trung hạn 2021 - 2025, sau đó sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung đầu tư khắc phục khi có điều kiện về vốn".
 
Chủ tịch UBND tỉnh ĐẶNG VĂN MINH
Khó khăn chung
 
Mới đây, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.120 tỷ đồng nhằm giúp Quảng Ngãi bước đầu khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Cụ thể, hỗ trợ 300 tỷ đồng để tỉnh thực hiện ngay một số việc: Giúp người dân khôi phục nhà ở, ổn định đời sống, các công trình công cộng y tế, giáo dục...; hỗ trợ giống gia súc, gia cầm để tái đàn. Về sản xuất nông nghiệp: Hỗ trợ 20 tỷ đồng để mua giống các loại (lúa, bắp, rau màu) chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021. Về giao thông, thủy lợi: Hỗ trợ 200 tỷ đồng để khôi phục bước 1 giao thông, cầu cống, thủy lợi và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh, sản xuất. 
 
Đặc biệt, nguồn kinh phí sẽ hỗ trợ đầu tư khu tái định cư, di dân trong vùng nguy cơ sạt lở cao: 230 tỷ đồng. Cụ thể: Khu Làng Bồ và khu Nước Nia, thị trấn Di Lăng (Sơn Hà): 100 tỷ đồng; thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây): 50 tỷ đồng; thôn Gòi Re, Nước Lăng, Nước Chạch, xã Ba Xa và Khu trung tâm hành xã Ba Giang (Ba Tơ): 80 tỷ đồng. Hỗ trợ 120 tỷ đồng xây dựng kè chống sạt lở bờ biển xã Bình Hải (Bình Sơn); chống sạt lở bờ biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) khoảng 150 tỷ đồng; chống sạt lở bờ sông Trà Khúc khoảng 100 tỷ đồng. Về lâu dài, Quảng Ngãi kiến nghị Chính phủ đưa vào danh mục kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 để hỗ trợ tỉnh đầu tư 3 công trình đê chống lũ Bình Trung - Bình Minh (Bình Sơn) khoảng 150 tỷ đồng; đê chắn sóng (Lý Sơn) xấp xỉ 150 tỷ đồng; cầu vượt lũ Thạch Nham gần 350 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, do tình hình thiệt hại do mưa, bão, lũ gây ra trên địa bàn cả nước trong năm 2020 là quá lớn, nên trước mắt, Thủ tướng Chính phủ mới  đồng ý hỗ trợ tỉnh 1.000 tấn gạo và khoảng 100 tỷ đồng để khắc phục tạm thời hậu quả bão số 9. Tại các buổi kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại của các địa phương trong tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã thông tin những khó khăn về kinh phí hiện nay của tỉnh. Vì thế, dù các địa phương báo cáo thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng trước mắt tỉnh chỉ hỗ trợ mỗi huyện từ 2 - 3 tỷ đồng để sửa chữa trường lớp, cơ sở khám, chữa bệnh.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 
 
 

.