(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều công trình thủy lợi là hồ chứa nước, đập dâng, trạm bơm và kênh mương nội đồng đang được phân cấp về các địa phương quản lý. Tuy nhiên, do năng lực ở cơ sở còn hạn chế, nên trong quá trình vận hành đã phát sinh nhiều vướng mắc, nhất là trong khâu giám sát, bảo đảm an toàn hồ chứa nước mùa mưa lũ.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Nhân lực chưa đủ chuẩn
Toàn tỉnh hiện có 760 công trình thủy lợi, nhưng chỉ có 55 công trình được giao cho cơ quan chuyên môn là Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý. Hơn 700 công trình còn lại được phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý, giao tổ chức thủy lợi cơ sở khai thác, gồm 153 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 35 tổ hợp tác và 13 UBND xã, thị trấn.
Không có kỹ sư chuyên ngành thủy lợi theo quy định, nhưng Hợp tác xã Nông nghiệp Tú Sơn 1 (Mộ Đức) vẫn đang vận hành, khai thác hồ chứa nước Ông Tới, với dung tích 1,5 triệu mét khối. |
Để quản lý, vận hành công trình thủy lợi, các HTX thành lập đội thủy nông, còn UBND các xã, thị trấn thì thành lập tổ hợp tác dùng nước do Phó Chủ tịch UBND xã kiêm nhiệm làm tổ trưởng. Nhân lực quản lý thủy lợi phải kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành thủy lợi, nên công tác vận hành tại cơ sở bộc lộ nhiều hạn chế. Trong khi đó, theo quy định của Luật Thủy lợi năm 2017 và Nghị định 67/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các hồ chứa có dung tích từ 1 - 3 triệu mét khối phải có 1 kỹ sư chuyên ngành thủy lợi, còn hồ chứa có dung tích từ 200 - 500 nghìn mét khối phải có tối thiểu 1 cán bộ có trình độ từ trung cấp thủy lợi trở lên và phải có giấy chứng nhận qua lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý đập...
Ngoài ra, các tổ chức khai thác công trình thủy lợi phải làm tròn các trách nhiệm như: Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào công trình; bảo vệ, xử lý khi công trình xảy ra sự cố, hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng phụ cận của công trình. Những quy định trên khiến nhiều HTX, tổ hợp tác “đau đầu” vì không đủ nhân lực và chuyên môn nghiệp vụ để thực hiện.
Quản lý "bom nước" - Chuyện không đơn giản
“Đảm nhận quản lý hồ chứa nước có dung tích 1,5 triệu mét khối và đang trong tình trạng xuống cấp sau gần 15 năm chưa được duy tu, bảo dưỡng, nhưng HTX không đủ năng lực tài chính để hợp đồng với kỹ sư chuyên ngành thủy lợi theo quy định. Vì vậy, vào tháng 6.2020, dù thấy thân đập có một số vết nứt, nhưng thành viên HTX đều không đủ chuyên môn, nghiệp vụ để nhận định rằng, đó là dấu hiệu đập chứa nước đang bị sạt lở. Mãi đến tháng 8.2020, khi các vết nứt rộng thêm ra, HTX mới tiến hành báo cáo với chính quyền địa phương để giải quyết”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tú Sơn 1 (Mộ Đức) Nguyễn Mậu Biên, đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa nước Ông Tới cho biết.
Thiếu cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ về thủy lợi, nhưng gần 200 hồ chứa nước được xây dựng từ trước năm 1989 hiện đang hư hỏng, xuống cấp vẫn tiếp tục được phân cấp về địa phương quản lý. Trong đó, 7 hồ chứa nước nằm trong danh mục bị hư hỏng nặng, có nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2020, như: Đá Bạc, Phước Tích, Cống Đá (Bình Sơn); Hố Vàng, Hố Tre, Hố Đèo (Sơn Tịnh); Lỗ Thùng (Mộ Đức) đều đang thuộc diện quản lý, vận hành, khai thác của các HTX nông nghiệp tại địa phương.
Theo đánh giá của Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Võ Đoàn, hoạt động của nhiều tổ chức thủy lợi tại cơ sở thiếu tính bền vững; năng lực của cán bộ quản lý, vận hành công trình thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; các nguồn thu phục vụ hoạt động của tổ chức thủy lợi cơ sở không đủ chi nên ảnh hưởng đến công tác vận hành, quản lý các công trình thủy lợi vừa và nhỏ trên địa bàn. Vì vậy, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi UBND cấp huyện khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện củng cố, kiện toàn năng lực của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi. Các tổ chức thủy lợi cơ sở phải đáp ứng yêu cầu tại nghị định này mới được tiếp tục quản lý, khai thác các công trình thủy lợi.
Bài, ảnh: Ý THU