(Baoquangngai.vn)-
75 tuổi, con cái đã yên bề gia thất và thành đạt, ông Võ Nhân ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) vẫn chưa cho phép mình nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Bởi, theo ông lao động chính là phương thức luyện tập tốt nhất để nâng cao sức khỏe mà vẫn có thu nhập tốt.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Vùng đất bạc màu ở thôn Đức Sơn, xã Tịnh Hiệp nổi tiếng là khắc nghiệt vì quanh năm thiếu nước, khô cằn. Trong khi bà con địa phương phải khóc ròng, bỏ ruộng lúa đi tìm kế sinh nhai, thì nhiều năm nay, họ phải trầm trồ bởi hướng đi riêng biệt của ông Võ Nhân với cây lúa.
Với 8 sào đất ruộng, thay vì trồng lúa ông Nhân chuyển sang trồng giống lúa nếp Huế, chủ yếu phục vụ cho các lò rang nổ. Ông cho biết, kỹ thuật trồng lúa nếp cũng giống trồng lúa bình thường, nhưng quan trọng nhất là khâu chăm sóc, càng chăm sóc kỹ thì năng suất đạt cao, nhất là khâu bón phân và phòng trừ sâu bệnh.
Lão nông Võ Nhân vẫn miệt mài lao động với tư duy đổi mới để có thu nhập tốt từ nghề nông |
Xung quanh là những ruộng lúa cho năng suất kém, thu nhập thấp, thì ruộng lúa nếp của ông Nhân ở đồng Bờ Điều đều đặn sản xuất 4 tấn lúa nếp mỗi năm. Trung bình lúa nếp có giá 14.000 đồng/kg, ông Nhân thu về trên 56 triệu đồng, cao gấp 2 lần trồng lúa trên vùng đất này.
“Cứ đi theo lối mòn thói quen sản xuất truyền thống thì rất khó. Bởi ai cũng làm giống mình thì khiến đầu ra của sản phẩm bị hẹp lại, giá cả không cao. Nên tôi phải tìm hiểu kĩ về thổ nhưỡng, điều kiện phát triển của giống lúa nếp Huế. May mắn là cũng khá thành công. Tôi trồng giống lúa này đã 10 năm rồi, năm nào cũng bán rất chạy!”.
Đằng sau hai chữ “may mắn” mà ông Nhân vừa nói, ấy là những ngày mưa nắng, tảo tần không ngừng nghỉ của lão nông đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”. Ông Nhân quan niệm, ông trời chẳng cho không ai ân huệ nào. Nên dù kinh tế của gia đình khá ổn định, ông Nhân vẫn cứ cần mẫn lao động để được hưởng những điều mình xứng đáng được có. Trong đó, điều quan trọng mà ông có được, chính là sức khỏe dẻo dai và kinh tế ngày càng vững, không phải phụ thuộc vào con cháu.
Luôn tư duy đổi mới để lao động, tận dụng nguồn cỏ dồi dào ở những cánh đồng, ông Nhân còn nuôi trâu thả đồng và có thu nhập trên 40 triệu đồng/năm từ nghề nuôi trâu. Không để đất trống nghỉ ngơi, gia đình ông còn trồng trên 1 ha keo ở khu vực Rừng Miếu, cứ 4 năm khai thác một lần. Nhờ chăm sóc thường xuyên nên rừng keo luôn cho sản lượng cao. Trung bình cứ mỗi đợt thu hoạch keo, ông thu về từ 100 đến 110 tấn, trị giá từ 70-80 triệu đồng.
Ông Nhân chăm sóc đàn trâu của gia đình |
Vợ chồng ông Võ Nhân còn trồng 3 sào đậu phụng xem mì. Trung bình 1 sào đậu phụng trồng xen với mỳ cho năng suất đậu phộng khoảng 2 tạ, với giá bán hiện nay 23.000 đồng/kg, thì mỗi sào có nguồn thu trên 4,6 triệu đồng. Ông Nhân bán đậu trang trải chi phí đầu tư cho cây mỳ, cũng như có tiền trang trải hàng ngày chờ cây mỳ cho thu hoạch. Sau khi thu hoạch đậu phộng, một phần thân và lá đậu dùng để che phủ gốc mỳ, nhằm duy trì độ ẩm đất, tăng chất hữu cơ cho đất.
Khi được hỏi về bí quyết làm nông hiệu quả với thu nhập khá, ông Nhân vui vẻ chia sẻ: "Thấy trên ti vi, ở các địa phương khác họ làm nông mà có cái gì mới, có lợi, hiệu quả thì tôi không ngại ngần học theo và thử. Như việc trồng đậu phụng xen mì là để lấy ngắn nuôi dài, mang về thu nhập kép. Trồng lúa nếp là để có đầu ra ổn định và phù hợp với chất đất ở quê mình…”.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Võ Nhân còn tích cực tham gia tốt các hoạt động ở địa phương. Với vai trò là Phó chủ tịch Hội người cao tuổi thôn, ông luôn sâu sát, tích cực nắm chắc từng địa bàn dân cư vận động hội viên và bà con nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, sẵn sàng chia sẻ bí quyết làm kinh tế với tất cả mọi người. Ông Nhân luôn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả để nâng cao thu nhập.
Nhiệt tình, dễ gần lại yêu lao động, lão nông 75 tuổi luôn được bà con ở thôn Đức Sơn quý mến, kính trọng. Nhiều năm liền, ông luôn được các cấp tặng giấy khen, với thành tích xuất sắc về công tác hội. Đây là nguồn động viên ông tiếp tục phấn đấu làm kinh tế giỏi. Tích cực tham gia công tác hội, giúp đỡ các gia đình trong thôn phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Thu Kim