(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có khoảng 200ha nuôi trồng thủy sản. Do đó, các hộ nuôi trồng thủy sản cần chú ý theo dõi, chăm sóc kỹ vật nuôi để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng tại thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), ông Phạm Văn Ba cho hay, vụ tôm cuối năm là vụ khó nhất, dù giá tôm cuối năm thường tăng lên đến 30%. “Tôi vừa thả 50 nghìn con tôm giống giữa tháng 9, dự kiến từ 3 - 3,5 tháng tới thu hoạch. Đây cũng là thời gian vào mùa mưa bão, nên hồ tôm thường bị ảnh hưởng. Do đó, tôi phải canh chừng liên tục để xả nước mặt; đồng thời cho thêm vôi vào hồ tôm, để không làm ảnh hưởng đến độ mặn hồ nuôi”.
Hồ nuôi ốc hương tại vùng ven biển thôn Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức). |
Theo các hộ nuôi tôm tại thôn Cổ Lũy, nuôi tôm trên cát vào cuối năm là vụ chính. Song, bên cạnh nỗi lo về chất lượng con giống, người nuôi cũng thấp thỏm "trông trời, trông nước". Bởi khi thời tiết bất lợi, khiến môi trường nước trong hồ tôm thay đổi, nếu không kịp thời xử lý, tôm có thể bị ngợp, chết.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi đã xảy ra ở một số địa phương như Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Lý Sơn khiến 21ha tôm, 1,2ha ốc hương, hơn 12.000 con cá giống nuôi biển (Lý Sơn) bị bệnh, chết. Nguyên nhân chủ yếu là do mắc một số bệnh như đốm trắng, hoại tử gan tụy, sưng vòi (ốc hương) và do môi trường.
|
Tại xã Đức Thắng (Mộ Đức), mỗi vụ ốc hương thường kéo dài từ 6 - 7 tháng mới thu hoạch. Hồ nuôi ốc cần độ mặn từ 28 - 30%. “Trời mưa ảnh hưởng đến độ mặn, khiến ốc yếu, bị bệnh sưng vòi, dẫn đến thiệt hại. Do đó, vào mùa đông chúng tôi hạn chế bơm nước vào hồ, vì nước mưa gây tràn bờ, nên phải thường xuyên theo dõi để xả nước”, ông Trần Quốc Đông, làm việc tại một hồ nuôi ốc hương chia sẻ.
Để chủ động ứng phó và giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất và vật nuôi, từ đầu năm, Chi cục Thủy sản tỉnh đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc và thu hoạch thủy sản theo lịch thời vụ. Đối với nuôi tôm vùng triều, tôm sú, thủy sản nước ngọt, tôm hùm, nuôi lồng trên biển cần thu hoạch trước mùa mưa bão. Còn diện tích nuôi vào cuối năm gồm tôm thẻ chân trắng, ốc hương, hải sâm khoảng 200ha, tập trung chủ yếu ở huyện Mộ Đức, TX.Đức Phổ... người nuôi cần tập trung chăm sóc và có biện pháp xử lý kịp thời để tôm phát triển.
“Khi có mưa lũ xảy ra, người nuôi phải kiểm tra chất lượng nước trong hồ nuôi, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp như rắc vôi quanh bờ ao, đặt ống xả tràn để thoát nước khi mưa kéo dài. Bên cạnh đó, tích cực thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho tôm khi thời tiết thay đổi bất thường, như tăng cường bổ sung vitamin C vào thức ăn, tăng thời gian chạy sục khí, để tránh thiếu oxy và phân tầng nước trong ao nuôi. Sau khi mưa lớn kéo dài, nước ao nuôi bị đục, độ pH giảm đột ngột, nên cần bón vôi để ổn định môi trường nước”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Đỗ Thị Thu Đông nhấn mạnh.
Bài, ảnh: HUỲNH THẢO