(Báo Quảng Ngãi)- Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Quảng Ngãi từ đầu năm đến nay bị chững lại. Tuy nhiên, đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư từ năm 2019 về trước, các chủ đầu tư đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung triển khai các công trình, dự án.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mới thu hút được 2 dự án
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp không chỉ tác động đến tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, mà còn ảnh hưởng lớn đến công tác xúc tiến đầu tư (XTĐT) và thu hút đầu tư của tỉnh. Do dịch nên tỉnh không thể tổ chức, hoặc tham gia các hoạt động XTĐT. Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư FDI không thể đến Quảng Ngãi để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Còn hoạt động XTĐT tại chỗ cũng gặp nhiều khó khăn, do các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên chưa thể mở rộng đầu tư.
Hoạt động sản xuất sợi tại Công ty TNHH Xindadong Việt Nam (KCN VSIP Quảng Ngãi). |
Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ cấp mới 2 dự án FDI đầu tư tại KCN VSIP Quảng Ngãi, với tổng vốn đầu tư 64 triệu USD. Đó là Dự án Nhà máy công nghiệp Asia Foam của Công ty TNHH Far Eart Foam Việt Nam (Malaysia), vốn đầu tư 20 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất ống truyền y tế M.E.NIKKISO Việt Nam - Dung Quất của M.E Nikkiso CO.MLTD (Thái Lan), vốn đầu tư 44 triệu USD.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện điều chỉnh, giãn tiến độ 6 dự án; trong đó có 2 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư (tăng 11,5 triệu USD) và thu hồi 2 dự án/1,1 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 63 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 1,92 tỷ USD.
Định hướng trong thời gian đến, tỉnh sẽ tập trung XTĐT đối với những ngành nghề, lĩnh vực mà Quảng Ngãi có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, các dự án có nhu cầu sử dụng quỹ đất lớn. Đồng thời, xác định danh mục các dự án hóa dầu - hóa chất gắn với dự án Nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất để làm cơ sở thu hút các dự án FDI vào lĩnh vực này.
Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, 6 tháng qua, các doanh nghiệp FDI đạt tổng doanh thu 545,3 triệu USD, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2019; xuất khẩu 165,5 triệu USD (giảm 10%); nhập khẩu 237 triệu USD (tăng 40%) và nộp ngân sách nhà nước 6,3 triệu USD (tăng 50%).
|
Triển khai các dự án đã cấp phép
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng từ đầu năm đến nay một số dự án vẫn tiến hành triển khai đầu tư các hạng mục công trình, vốn giải ngân đạt khá. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 173,9 triệu USD, bằng 207% so với cùng kỳ năm 2019. Điển hình là Nhà máy sản xuất vải Xindadong Textiles - Dung Quất (do Công ty TNHH Xindadong Việt Nam đầu tư), với công suất thiết kế 45.000 tấn sợi dệt, 50.000m vải và khoảng 10 triệu sản phẩm may mặc/năm.
Dự án có tổng vốn đầu tư 65 triệu USD, được khởi công từ giữa năm 2019, đến nay đã giải ngân trên 50 triệu USD và đang phấn đấu đưa vào hoạt động trong năm nay. Hay như dự án Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp Messer Hải Phòng - Dung Quất, giải ngân 35,2 triệu USD; Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam - Dung Quất, giải ngân 30 triệu USD...
Theo bà Trần Thị Mỹ Ái, từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên sẽ ảnh hưởng lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Dự kiến cả năm 2020, tỉnh thu hút 3 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 80 triệu USD. Thu hút đầu tư giảm, song các dự án đã được cấp phép vẫn triển khai hoạt động đầu tư theo đúng tiến độ. Dự kiến cả năm 2020, tổng vốn thực hiện của các dự án đạt 220 triệu USD, doanh thu 1 tỷ USD, xuất khẩu 500 triệu USD, nhập khẩu 400 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 24.500 lao động và nộp ngân sách khoảng 12 triệu USD.
Bài, ảnh: PHẠM DANH