(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Sơn Tịnh đã nghiên cứu và triển khai một số dự án ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào trồng trọt, chăn nuôi, tăng giá trị sản phẩm, cải thiện thu nhập cho nông dân, từng bước đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Năm 2020 là năm về đích của 4 dự án ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp triển khai trên địa bàn huyện Sơn Tịnh. Những dự án này được triển khai từ năm 2016, với các loại cây trồng, vật nuôi đang là thế mạnh của địa phương.
Đó là các dự án: "Ứng dụng KHCN xây dựng vùng chuyên canh đậu phụng trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ"; "Mô hình liên kết trồng, chế biến và tiêu thụ nghệ dưới tán rừng keo mới trồng"; "Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân để sản xuất bắp thương phẩm làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên đất lúa kém hiệu quả tại huyện Sơn Tịnh"; "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh".
Mô hình nuôi bò Zêbu ở Sơn Tịnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Trong quá trình triển khai, các dự án được thực hiện dưới sự chủ trì của các kỹ sư, nhà khoa học đến từ các trường đại học. Mỗi khâu đều được theo dõi, đánh giá khách quan, đưa ra kết quả so sánh, đối chiếu với cách làm trước đó để thấy rõ hiệu quả. Đơn cử như mô hình ứng dụng KHCN xây dựng vùng chuyên canh đậu phụng trên đất lúa và màu kém hiệu quả theo chuỗi giá trị tại xã Tịnh Thọ.
Với năng suất bình quân 38,89 tạ/ha, giá bán 27.000 đồng/kg, mô hình đã đem lại tổng doanh thu trên 105 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí (khoảng 32,42 triệu đồng), mang lại lãi ròng 72,5 triệu đồng/ha/vụ. So với trồng lúa, năng suất bình quân 60 tạ/ha, giá bán 6.500 đồng/kg, doanh thu 39 triệu đồng/ha/vụ, chi phí hơn 24,1 triệu đồng/ha, lãi ròng chỉ đạt hơn 14,8 triệu đồng/ha/vụ, thì sản xuất đậu phụng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 4,9 lần so với sản xuất lúa.
Trong khi đó, Dự án "Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ KHCN phát triển đàn bò lai hướng thịt trên nền bò cái Zêbu tại các xã miền núi huyện Sơn Tịnh" có tổng vốn đầu tư hơn 41 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chỉ hơn 2 tỷ đồng, còn lại của người dân địa phương. Mục tiêu là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi bò thịt có năng suất, chất lượng cao, đưa chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trở thành vật nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của huyện.
Dự án đã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò cái lai Zêbu sinh sản cho 600 hộ dân, mỗi hộ có từ 2 con bò cái sinh sản trở lên; hướng dẫn kỹ thuật lai tạo giống để tạo ra 1.750 con bê lai hướng thịt có trọng lượng sơ sinh bình quân cao. Kết quả dự án vượt chỉ tiêu, đạt khoảng 130% kế hoạch ban đầu, đặc biệt có 90 hộ tham gia mô hình nuôi bò thịt thâm canh sau 18 tháng nuôi đạt 320 kg/con.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh Phạm Đông khẳng định: "Kết quả của các dự án này đã chứng minh cho nông dân trực tiếp tham gia, hoặc người dân trong vùng thấy được khi ứng dụng đồng bộ các giải pháp về KHCN sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, thay đổi dần nhận thức của người nông dân trong canh tác, còn đầu ra sản phẩm được ổn định, giải quyết việc làm, giảm thiểu áp lực việc di cư lao động tự do từ vùng nông thôn đến thành thị, góp phần ổn định dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội vùng dự án".
Bài, ảnh: Thanh Nhị