Phiên giao dịch sáng nay 7/7, giá vàng SJC lập đỉnh mới ở mức 50,3 triệu đồng/lượng khi giá vàng giao ngay tại châu Á hướng tới mốc 1.800 USD/ounce.
Ảnh minh họa |
Mở cửa thị trường trong nước sáng 7/7, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch ở mức 49,95 triệu đồng/lượng (mua vào) - 50,15 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 49,96 triệu đồng/lượng - 50,14 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Các mức giá này tăng mạnh mỗi chiều 250.000 đồng/lượng và 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.
Tại TP.HCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,87 triệu đồng/lượng - 50,32 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 230.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.
Chốt phiên hôm qua, giá vàng SJC tại Hà Nội giao dịch ở mức 49,7 triệu đồng/lượng - 49,9 triệu đồng/lượng; giá vàng SJC tại TP.HCM giao dịch ở mức 49,64 triệu đồng/lượng - 50,02 triệu đồng/lượng.
Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com hiện có biên độ tăng 1,3 USD, giao dịch ở mức 1.786,4 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng cao, hướng tới mốc 1.800 USD/ounce trong bối cảnh giới đầu tư tìm đến vàng nhiều hơn khi dịch Covid-19 lây lan đến chóng mặt.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, trong vòng 24h qua, nước Mỹ ghi nhận thêm hơn 41.500 ca mắc Covid-19, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 3 triệu ca. Số người chết vì Covid-19 tại Mỹ hiện xấp xỉ 133.000 người.
Hãng tin Channel News Asia cho biết, trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 6/7, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu và là thành viên của ban chỉ đạo ứng phó Covid-19 của chính phủ Mỹ cảnh báo, đại dịch Covid-19 ở Mỹ "rất nghiêm trọng" và "cần giải quyết ngay lập tức".
Số người mắc Covid-19 có xu hướng tăng vọt tại nhiều bang thời gian gần đây khi các địa phương mở cửa trở lại. Bất chấp các khuyến cáo dịch tễ, người dân Mỹ tiếp tục đổ xô đến các bãi biển tránh nóng vào các dịp cuối tuần và nghỉ lễ.
Dịch bệnh tại Mỹ có thể làm giảm hi vọng về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới phục hồi nhanh hơn. Chính tâm lý này đã đẩy dòng tiền vào các tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội của Mỹ cho rằng, nước này có thể phải mất cả thập kỉ tới để phục hồi nền kinh tế đất nước sau những hậu quả của đại dịch Covid- 19 mang lại.
Không chỉ tại Mỹ, dịch Covid-19 cũng tái bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Trong tuần qua, Ấn Độ đã vượt Nga trở thành tâm dịch lớn thứ 3 thế giới với hơn 720.000 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 20.000 người đã tử vong.
Theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ, thời gian gần đây, nước này liên tiếp ghi nhận khoảng 20.000 ca mắc Covid-19/ngày trong khi tình hình dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tốc. Số người mắc Covid-19 tăng nhanh đang gây áp lực lớn lên hệ thống y tế của Ấn Độ.
Brazil hiện là tâm dịch lớn thứ hai với hơn 1,6 triệu ca mắc, trong đó hơn 65.000 ca tử vong.
Tại châu Á, số ca mắc Covid-19 tại nhiều nước cũng bắt đầu tăng mạnh trở lại.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc chỉ ra rằng, thế giới mới đang chỉ "điều trị" các triệu chứng sức khỏe và triệu chứng của nền kinh tế mà không phải là xử lý gốc rễ của đại dịch.
Ngoài ra, theo đánh giá của giới chuyên gia, giá vàng tăng còn do đồng USD suy yếu và được dự báo yếu hơn nữa trong thời gian tới do nhu cầu đối với đồng bạc xanh đã giảm rõ rệt cùng triển vọng ảm đạm của nền kinh tế Mỹ. Trong tháng 6, giá trị đồng USD đã giảm 1% so với 6 đồng ngoại tệ lớn khác.
Theo khảo sát của Kitco, 70% dự báo giá vàng tuần này tiếp tục tăng; Chỉ 18% cho rằng giá đi xuống và 12% quyết định đứng ngoài quan sát hoặc nhận định giá sẽ đi ngang.
Theo An Hạ/Dân Trí