(Báo Quảng Ngãi)- Ngôi nhà cuối xóm Gành Cả ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) của ông Nguyễn Thanh Nam được xem là "ngôi nhà thuyền trưởng". Bởi, đã hơn 100 năm, từ đời ông nội ông Nam đến nay, các thế hệ trong ngôi nhà này nối nghiệp bám biển mưu sinh, sống chết với nghề biển.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Một thời vùng vẫy Hoàng Sa
Ông Nam năm nay 57 tuổi. Nói về nghề biển, hầu như ai cũng biết tiếng ông. “Năm 12 tuổi, tôi bắt đầu xin cha cho đi theo. Mỗi lần được đi biển là tôi rất phấn khích. Đến năm 23 tuổi tôi trở thành ngư dân, quen chuyện hành nghề trên biển”, ông Nam nhớ lại.
Suốt 3 năm nay, ông Nguyễn Thanh Nam nhận trực Icom miễn phí giúp ngư dân yên tâm bám biển. |
Ông Nam làm thuyền trưởng trên con tàu cha ông để lại. Tàu ra tận Hoàng Sa đánh bắt, nhưng ngày đó không có định vị hay điện đàm gì cả. Tất thảy dựa vào kinh nghiệm của thuyền trưởng. “Chúng tôi chỉ có một chiếc la bàn và nhìn sao trời, canh mực nước để về lại bờ. Từ cảng Sa Kỳ đến đảo Hoàng Sa lúc nào cũng phải canh con nước và nhìn sao trời để khỏi chạy lệch. Nếu không, tàu sẽ đến đảo khác”, ông Nam kể.
Dù là thuyền trưởng, nhưng ông Nam vẫn tham gia lặn bắt hải sản. Trong lúc đang chinh phục độ sâu hơn 40m, ông có cảm giác mệt, khi lên tới mặt nước ông đã bị tê liệt. Phiên biển cuối cùng trước khi ông giã từ Hoàng Sa, là lúc ông Nam 33 tuổi.
Hơn một năm chạy chữa ở Quảng Ngãi, nhưng đôi chân vẫn không lành lặn. Từ bỏ biển khơi, ông Nam ở nhà, nhiều hôm bước thấp bước cao ra gành nhìn ngư dân mang đồ lặn, chèo thúng đi đánh bắt gần bờ, ông lại ước gì mình có thể vùng vẫy giữa trùng khơi...
Từng là nạn nhân khi hành nghề đánh bắt hải sản xa bờ, nên ông Nam thấu hiểu sự hiểm nguy khi gặp bão, lốc trên biển. Năm 2018, hơn 20 chủ tàu góp tiền mua máy Icom đặt trong đất liền. Vì có kinh nghiệm trực Icom cộng đồng trước đó, nên ông Nam đảm nhận việc này. Ông làm việc này hoàn toàn tự nguyện, không nhận thù lao, chỉ với mong muốn giúp nhiều ngư dân phòng tránh những rủi ro, bất trắc trên biển. |
Nặng lòng với biển
Ông Nam chọn cho mình cách đi Hoàng Sa bằng việc bỏ vốn đóng tàu, sau đó cho anh em trong gia đình cầm lái. Rồi ba người con trai lớn lên, ông Nam cũng đóng thêm tàu với mong muốn con sẽ thay mình ra Hoàng Sa.
“Đứa con trai lớn của tôi là Nguyễn Thành Linh học giỏi lắm! Nhưng ước mơ, khát khao của nó chỉ nghĩ về biển và trở thành một ngư dân lão luyện. Cũng ngót hơn 5 năm, nó làm thuyền trưởng chiếc tàu cá hơn 700CV”, ông Nam tự hào kể.
Như bao thế hệ người dân Gành Cả, dù trong hoàn cảnh nào cũng muốn đóng góp một phần trách nhiệm của mình cho Hoàng Sa. Mỗi khi tàu ngư dân bị cướp tài sản, bị đâm va, hư hỏng máy móc, ông Nam ngày nào cũng lên xã, huyện, tỉnh để chứng đơn cho người dân Gành Cả, rồi gửi lên các cấp chính quyền xin nguồn hỗ trợ cũng như bảo hiểm đền bù sớm cho ngư dân có tiền sắm sửa tàu thuyền ra khơi. Rồi chuyện đăng kiểm, gia hạn tàu thuyền... nhiều ngư dân xóm Gành Cả lại tìm đến ông Nam nhờ trợ giúp. Với tình yêu biển, ông Nam đã góp phần giúp ngư dân vươn khơi, bám biển phát triển kinh tế, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bài, ảnh: TRUNG ÂN