Mặt bằng lãi suất giảm

10:06, 29/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lãi suất huy động từ đầu năm đến nay liên tục giảm, vì ngân hàng đang thừa vốn. Tuy nhiên, do không đầu tư vào các kênh như chứng khoán, bất động sản, nên tiền nhàn rỗi được gửi vào ngân hàng. Việc huy động lãi suất thấp, giúp các ngân hàng có điều kiện giảm chi phí và giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất huy động giảm
 
Thực hiện quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng đồng loạt áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, tối đa chỉ 4,25%/năm. Theo đó, 4 ngân hàng là Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank có sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm, kể từ tháng 6.2020. 
 
Khách hàng đến giao dịch tại SeABank Quảng Ngãi.
Khách hàng đến giao dịch tại SeABank Quảng Ngãi.
Cụ thể, Agribank điều chỉnh giảm lãi suất tất cả các kỳ hạn trong khoảng từ 0,1 - 0,45%/năm. Biểu lãi suất tiết kiệm Agribank nằm trong khoảng từ 4 - 6,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng.Trong khi đó, Vietinbank điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,1 - 0,45% so với tháng 5.2020.
 
Chẳng hạn, kỳ hạn từ 3 đến dưới 6 tháng là 4,25%/năm. Từ 6 - 9 tháng giảm về mức 4,9%/năm và kỳ hạn từ 9 - 12 tháng chỉ còn 5,1%/năm. Riêng Vietcombank điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất tại kỳ hạn 3 tháng, còn 4,25%/năm, giảm 0,1%/năm lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4%/năm. Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn khác giữ nguyên. Tương tự, BIDV chỉ giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 9 tháng ở mức 5,1%/năm, các kỳ hạn còn lại điều chỉnh giảm từ 0,2 - 0,5%/năm so với tháng trước.
 
Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng thực hiện giảm lãi suất huy động. Tuy nhiên, chênh lệch biểu lãi suất giữa các ngân hàng thương mại nhà nước với các ngân hàng thương mại cổ phần khá cao, khi có ngân hàng vẫn áp dụng huy động cao nhất đến 8,9%/năm. 
 
Giám đốc Agribank Bình Sơn Nguyễn Hiệp cho biết: Thời gian qua, người dân có tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm tại ngân hàng tăng cao. Trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng nguồn vốn huy động tại chi nhánh trên 1.740 tỷ đồng, cao gần 1,5 lần so với dư nợ cho vay.
 
Tính đến cuối tháng 5.2020, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 54.455 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2019; dư nợ cho vay đạt 49.750 tỷ đồng. Lãi suất cho vay Việt Nam đồng dành cho các đối tượng ưu tiên ngắn hạn 5,5%/năm, trung dài hạn 8,5 - 10%/năm. Lãi suất cho vay USD ngắn hạn 3,5 - 3,7%/năm, trung và dài hạn 4 - 6,5%/năm...
Tạo đà cho vay
 
Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đều giảm, nhưng người có tiền nhàn rỗi vẫn chọn gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản "đứng yên", cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19, người có tiền không thể đầu tư vào nhà đất, chứng khoán, nên gửi tiết kiệm được xem là kênh giữ tiền sinh lời nhất.
 
Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh, việc giảm lãi suất huy động là tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng vay bị thiệt hại do dịch.Theo Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid -19, mức giảm từ 0,5 - 2%/năm. Chi nhánh sẽ tiếp tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi, nhằm hỗ trợ khách hàng khôi phục, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. BIDV đang có nhiều gói tín dụng ưu đãi cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp cả ngắn hạn và trung, dài hạn.
 
Hiện nay, các ngân hàng đang thừa vốn rất nhiều, nên đang tập trung thực hiện các giải pháp để vừa hỗ trợ khách hàng, vừa thúc đẩy tăng trưởng cho vay. Tuy nhiên, để đảm bảo thanh khoản tốt, cũng như đáp ứng điều kiện cho vay để doanh nghiệp đầu tư sản xuất lâu dài, các tổ chức tín dụng cần tính toán đến các phương án huy động vốn trung, dài hạn.
 
Bài, ảnh: HỒNG HOA
 
 
 

.