Huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng

02:06, 28/06/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19, Quảng Ngãi đã triển khai nhiều giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
 
Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, mọi hoạt động kinh tế gần như bị đình trệ và hiện tại đang khởi động trở lại một cách khó khăn. Nguồn vốn ngoài xã hội thay vì đầu tư vào nhiều lĩnh vực, kích thích tăng trưởng, thì hiện nhiều người lựa chọn gửi tiết kiệm tại các ngân hàng. Vì thế, huy động tiền gửi tăng đột biến. Theo báo cáo của UBND tỉnh, ước tính đến đầu tháng 6.2020, huy động vốn trên địa bàn tỉnh được khoảng 54.455 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ cho vay ước đạt 49.750 tỷ đồng. Hiện nay, còn tồn hàng nghìn tỷ đồng chưa giải ngân tại các ngân hàng thương mại.
 
Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc huy động nguồn lực và sử dụng nguồn lực hiện chưa đạt yêu cầu tăng trưởng. Nhà đầu tư thì lo ngại rủi ro, nên thận trọng hơn trong đầu tư. Sau dịch, nhiều dự án, nhất là dự án bất động sản vẫn "nằm im". Nguồn thu từ quỹ đất trong năm nay phấn đấu đạt 2.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới chỉ thu được 2%. Hàng chục dự án tư nhân vốn đầu tư lớn thi công ì ạch, mặc dù trước đó cam kết sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. 
 
Huy động nguồn lực tư nhân phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ở Đức Phổ.  Trong ảnh: Trồng mít Thái tại Công ty CP nông lâm nghiệp 24/4.                               Ảnh: P.V
Huy động nguồn lực tư nhân phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ở Đức Phổ. Trong ảnh: Trồng mít Thái tại Công ty CP nông lâm nghiệp 24/4. Ảnh: P.V
Chủ tịch UBND tỉnh vừa chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Trong đó chú trọng vào 5 vấn đề: Thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, giải ngân 100% vốn đầu tư công, đẩy mạnh xuất khẩu, kích thích tiêu dùng nội địa; coi đây là 5 mũi đột phá để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, việc thực hiện các mục tiêu này gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như thu hút đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng chỉ thu hút được 1 dự án, với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD; thu hút 671 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký gần 300.000 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư đến cuối tháng 5 chỉ đạt hơn 15%; tiêu dùng nội địa mặc dù đang nhích lên song vẫn ở con số sụt giảm 5% so với cùng kỳ 2019. Hoạt động xuất khẩu hiện đạt khá, nhưng đây chủ yếu là kim ngạch thu về từ đơn hàng ký kết năm 2019, còn đơn hàng mới năm 2020 chưa nhiều do thị trường thế giới, nhất là Châu Âu vẫn chưa thực sự mở cửa trở lại...
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên: "Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh"
 
UBND tỉnh vừa thành lập Ban chỉ đạo xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, chi hỗ trợ gói an sinh xã hội do ảnh hưởng dịch bệnh cho hơn 365.000 người, dự kiến số tiền hơn 382 tỷ đồng; xem xét gia hạn thuế, tiền thuê đất hơn 165 tỷ đồng đối với 853 doanh nghiệp; miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho 195 trường hợp, với tổng dư nợ gần 6.000 tỷ đồng. 
 
Tuy nhiên, hiện nay tỉnh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong chỉ đạo khôi phục sản xuất, kinh doanh, phải kiến nghị trung ương xem xét, tháo gỡ về cơ chế, chính sách, nhất là giảm phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân; dỡ bỏ rào cản không đáng có để tập trung thu hút đầu tư, đón đầu cơ hội dòng vốn từ các khu vực khác "chảy" vào Việt Nam, huy động nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có Quảng Ngãi. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Doosan Vina liên quan đến xuất nhập khẩu sản phẩm; giảm lãi suất cho vay để giảm bớt khó khăn khi doanh nghiệp vay vốn đầu tư tái sản xuất sau dịch.
 
Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ Trần Phước Hiền: "Tạo thuận lợi cho dự án tư nhân phát triển"
 
Đức Phổ đang trong tiến trình hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng đầy đủ tiêu chí đô thị nên rất cần nguồn lực đầu tư. Trong khi ngân sách còn hạn hẹp, thì việc huy động nguồn lực xã hội, triển khai thực hiện các dự án tư nhân thuộc các lĩnh vực chỉnh trang đô thị, phát triển thương mại, dịch vụ, cấp nước là rất cần thiết. 
 
Hiện tại, Đức Phổ cũng đang có hàng chục dự án tư nhân, với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, nhưng so với yêu cầu phát triển thì chưa thấm vào đâu. Những năm gần đây, Đức Phổ nỗ lực kêu gọi thu hút đầu tư, song khi đang vào cao điểm thì đại dịch Covid-19 xảy ra, khiến mọi kế hoạch bị dừng lại. Hiện nay, thị xã đang rà soát lại để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư, trong đó xác định các lĩnh vực cấp thiết, ưu tiên đầu tư. Đồng thời, đề ra các cam kết về cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ tích cực khi nhà đầu tư triển khai dự án, mục đích là huy động nguồn lực phải đi đôi với sử dụng có mục tiêu, tăng tối đa tính hiệu quả của nguồn lực đã huy động.
 
Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa Lê Trung Thành: "Tính toán khoa học trong huy động nguồn lực đầu tư"
 
Huy động nguồn lực, nhất là huy động vốn từ các dự án tư nhân hiện nay vẫn còn bất cập, khiến một số nhà đầu tư nản lòng, chính quyền địa phương gặp bế tắc trong hỗ trợ nhà đầu tư. Cơ chế chính sách chưa nhất quán, từng lúc, từng nơi thu hút ồ ạt, thiếu kiểm soát, dẫn đến chưa chặt chẽ trong lựa chọn nhà đầu tư. Nhiều dự án tư nhân sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp chủ trương đầu tư đã không đủ năng lực để thực hiện dự án. 
 
Một số dự án vì nóng vội đã cấp chủ trương đầu tư chưa chặt chẽ, dẫn đến quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Vì thế, việc tính toán khoa học trong thu hút nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đầu tư từ tư nhân là hết sức cần thiết. Các dự án tư nhân khi thu hút nhất thiết phải có lộ trình, phù hợp, hài hòa với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên địa bàn huyện Tư Nghĩa thời gian qua có khá nhiều dự án tư nhân triển khai chậm tiến độ, không ít dự án dậm chân tại chỗ xuất phát từ mục tiêu thiếu nhất quán. 
 
THANH NHỊ 
(thực hiện)
 

.