(Báo Quảng Ngãi)- Do tác động của dịch Covid-19, năm 2020, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh dự kiến sẽ hụt khoảng 5.500 tỷ đồng. Để sớm phục hồi sản xuất, ổn định kinh tế - xã hội, Quảng Ngãi đang xây dựng kịch bản điều hành ngân sách đến cuối năm theo hướng giảm chi tương ứng với việc giảm thu; đồng thời có giải pháp thu nợ thuế phù hợp.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hụt thu lớn
Thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh ước đạt 5.618 tỷ đồng, bằng 157,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt khoảng 30,3% dự toán năm. Trong đó, thu nội địa ước đạt 4.059 tỷ đồng, bằng 102,5% so cùng kỳ năm trước và 26,4% dự toán năm; thu hoạt động xuất nhập khẩu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, bằng 48,7% dự toán năm.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, thu ngân sách những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn, do kinh tế chỉ mới ở giai đoạn dần hồi phục. Ước thu cả năm 2020 chỉ đạt 9.860 tỷ đồng, bằng 71,1% dự toán trung ương giao, đạt 64,2% dự toán tỉnh giao, bằng 55,8% so với năm 2019; hụt thu khoảng 5.500 tỷ đồng so với dự toán UBND tỉnh đề ra. Trong đó, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ước hụt thu khoảng 3.300 tỷ đồng; các khoản còn lại ước hụt thu khoảng 2.200 tỷ đồng.
Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19, tăng thu ngân sách là giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong ảnh: Sản phẩm nước khoáng Thạch Bích (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) chuẩn bị xuất xưởng. Ảnh: T.Nhị |
Tổng chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2020 khoảng 3.033 tỷ đồng, bằng 22,6% dự toán năm. Chi ngân sách đạt thấp do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp (4 tháng giải ngân chỉ 13%); một số nguồn vốn được dự toán thu để bố trí chi cho đầu tư chưa thu được.
Đơn cử như dự toán thu từ khai thác quỹ đất 2.000 tỷ đồng, mặc dù nguồn thu này vô cùng bấp bênh, nhưng đầu năm tỉnh dự toán chi cho các công trình quan trọng chuyển tiếp; chi cho các huyện, thành phố, thị xã để hoạt động thường xuyên.
Trên thực tế, 4 tháng đầu năm nay, nguồn thu tiền sử dụng đất mới đạt 18 tỷ đồng, nên khả năng không đạt kế hoạch là rất lớn. Đây là bất cập trong xây dựng kịch bản chi ngân sách, tỉnh cần tính toán để có giải pháp chi hợp lý, sát thực tế trong bối cảnh thu ngân sách có nhiều khó khăn như hiện nay.
"Đẩy mạnh công tác thu chi và điều hành hiệu quả ngân sách nhà nước, theo dõi sát sao tiến độ thu. Rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, điều hành chi ngân sách tiết kiệm, phù hợp với tiến độ thu. Chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, an sinh xã hội, tiền lương. Trước mắt, rà soát lại kế hoạch đầu tư công, tiến độ thực hiện dự án, tỷ lệ giải ngân vốn 2020 và khả năng cân đối ngân sách tỉnh cho hoạt động đầu tư. Sở KH&ĐT tổ chức rà soát, đề xuất phương án cân đối lại nguồn vốn để tập trung bố trí cho dự án đang triển khai đủ vốn thực hiện theo đúng tiến độ, nhất là đối với công trình sắp hoàn thành, công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX".
Trích phương hướng, nhiệm vụ điều hành kinh tế - xã hội tháng 5.2020 của UBND tỉnh
|
Điều hành chi hợp lý
Dịch Covid-19 xảy ra khiến kinh tế suy thoái, ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách năm 2020 và cả nhiều năm sau nữa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, việc soát xét khả năng thu ngân sách, dự báo số hụt thu sẽ giúp tỉnh kịp thời đề ra quyết sách về cân đối chi hợp lý. Sắp tới, ngành thuế còn thực hiện chỉ đạo gia hạn thuế và tiền thuê đất, nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tăng chi tiền phụ cấp cho lực lượng phòng, chống dịch, chi tiền ăn và khám chữa bệnh cho người bị cách ly... Trong khi đó, nhiều khoản hụt thu và hàng loạt khoản chi cấp bách phát sinh.
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Bình Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người nộp thuế. Ảnh: H.Hoa |
Do đó, UBND tỉnh dự kiến ban hành kịch bản cụ thể điều hành chi ngân sách vào tháng 6.2020. Theo đó, sẽ bám sát, thực hiện đúng nguyên tắc "trường hợp giảm thu phải giảm chi tương ứng"; chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ. Dành nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đảm bảo cân đối ngân sách địa phương trong trường hợp bị hụt thu.
Tích cực thu hồi nợ đọng
Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh, đến cuối tháng 4.2020, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh do ngành thuế quản lý trên 703 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng thu trên 450 tỷ đồng, nợ khó thu gần 253 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng nợ là do một số DN trong những năm trước mất khả năng thanh toán, số tiền thuế nợ khó thu kéo dài, tồn đọng không thu hồi được, dẫn đến tiền chậm nộp phát sinh liên tục tăng; những DN đang trong tình trạng ngừng kinh doanh, chờ thủ tục giải thể, chưa giải thể được dẫn đến nợ; các DN khai thác khoáng sản, xây dựng có nợ lớn liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, dịch Covid-19 kéo dài đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhiều DN kiệt quệ, nên chưa nộp tiền nợ thuế kịp thời.
Đẩy nhanh tiến độ dự án, thúc đẩy giải ngân là giải pháp quan trọng nằm trong kịch bản điều hành ngân sách của tỉnh từ nay đến hết năm 2020. Ảnh: T.Nhị |
Nợ càng lâu, càng lớn sẽ dẫn đến số tiền chậm nộp càng tăng. Trước tình trạng nợ thuế tăng cao trong những tháng đầu năm, Cục Thuế tỉnh đã ban hành hàng loạt các giải pháp đôn đốc thu. Tuy nhiên, làm thế nào để vừa thu hồi được nợ, vừa tạo điều kiện cho DN yên tâm sản xuất trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ đang là bài toán được ngành thuế tính toán kỹ lưỡng.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Tiếp cho biết: "Ước tính nợ thuế của DN bị tác động bởi Covid-19 trên địa bàn tỉnh khoảng 70 tỷ đồng/tổng nợ thuế. Từ việc phân loại nợ, đối tượng nợ, ngành thuế sẽ triển khai các giải pháp phù hợp, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu được giao, góp phần tăng thu, hoàn thành dự toán ngân sách".
Theo đó, đối với những DN nợ thuế vào thời điểm cuối năm 2019 trở về trước, Cục Thuế tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Đối với những DN nợ thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành thuế sẽ thường xuyên theo dõi, rà soát người nộp thuế được gia hạn thời hạn nộp thuế để có biện pháp đôn đốc, thu nợ phù hợp; đồng thời kiên quyết xử lý, áp dụng ngay các biện pháp cưỡng chế đối với những DN không thuộc diện gia hạn, nhưng vẫn cố tình dây dưa, chây ỳ, không nộp kịp thời tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước.
T.NHỊ - H.HOA