Phát huy hiệu quả các mô hình giảm nghèo

03:05, 31/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV), rất nhiều mô hình đầu tư phát triển kinh tế dành cho hộ nghèo, cận nghèo ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh được triển khai, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Động lực từ những mô hình
 
Sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi gà thả vườn tại các xã như Sơn Thành, Sơn Cao, Sơn Trung (Sơn Hà), nhiều hộ gia đình được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, kỹ thuật chăm sóc cũng như tìm được đầu ra ổn định, nên hầu hết đều phát huy hiệu quả.
 
Từng thuộc diện hộ nghèo nhận trợ cấp của Nhà nước, nhưng đến nay hộ gia đình chị Đinh Thị Giấy, xã Sơn Trung, đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo. Chị Giấy cho hay: Một trong những cơ sở để kinh tế gia đình tôi ngày càng ổn định là nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQGGNBV và vốn vay ưu đãi. Tôi đã mạnh dạn mở rộng chăn nuôi gà, nên thu nhập cứ thế tăng lên. Đến nay, không những tôi trả được nợ vay, mà còn có dư để lo cho con cái ăn học. 
 
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị sản xuất và đời sống cho người dân miền núi.
Nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả là bước đi cần thiết để nâng cao giá trị sản xuất và đời sống cho người dân miền núi.
 
Tại huyện miền núi Sơn Tây, ngoài hai mô hình đầu tư từ vốn ngân sách là cây mắc ca và cá tầm đang mang lại hiệu quả, thì nhiều mô hình phát triển kinh tế khác cũng tạo dấu ấn như nuôi chuột dúi, bưởi da xanh, bò Zêbu sinh sản... Với 5 con dê được cấp vào năm 2017, đến nay anh Đinh Văn Thu, xã Sơn Long đã có trong tay đàn dê gần 20 con.
 
Anh Thu chia sẻ: Ban đầu khi nhận con giống về chăm gặp nhiều khó khăn. Song, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như cách chăm sóc, nên đàn dê đã dần ổn định và sinh sản tốt. Vì thế, không những tạo được hiệu quả trong phát triển kinh tế mà tôi còn chia sẻ con giống cho các hộ gia đình khác có nhu cầu.
 
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, sau 5 năm triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế ở các huyện miền núi, đến nay đã có nhiều mô hình phát huy hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò cái địa phương sinh sản, dê bản địa sinh sản, heo bản địa, gà ta, bò cái Zêbu sinh sản, nuôi heo ky sinh sản...
 
“Để các mô hình khi nhân rộng phát huy hiệu quả, các cấp, ngành, địa phương phải chủ động triển khai, hướng dẫn, bám sát trong quá trình thực hiện, thậm chí cầm tay chỉ việc. Tuy vậy, chủ lực vẫn là bản thân mỗi người dân phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong làm ăn. Có như vậy công tác giảm nghèo mới thực sự hữu hiệu”.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh VÕ PHIÊN
Nhân rộng nhưng phải đảm bảo hiệu quả
 
Để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế trên cơ sở các mô hình đang phát huy hiệu quả, vừa qua UBND tỉnh đã quyết định triển khai nhân rộng 9 mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQGGNBV giai đoạn 2016 - 2020 cho 598 hộ dân, với tổng kinh phí hơn 11,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của người dân, vốn vay ưu đãi và vốn khác. 
 
Nuôi gà thả vườn là một trong những mô hình phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Nuôi gà thả vườn là một trong những mô hình phát huy hiệu quả trong quá trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
 
Theo đó, đối tượng được thụ hưởng là người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trong đó, ưu tiên hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ thuộc hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng An toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 trên địa bàn các huyện Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và phường Phổ Minh và xã Phổ Khánh (TX.Đức Phổ).
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên cho biết: Việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo đang phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo. Đồng thời, khi triển khai nhân rộng phải xuất phát từ cộng đồng, phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng vùng, miền và phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của từng địa phương. Các mô hình phải liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo quy trình, điều kiện, phương thức, định mức theo quy định.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.