Khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch Covid-19: Nông dân cần trợ lực

08:05, 16/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Suốt nhiều tháng xảy ra dịch Covid-19, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, thậm chí là không tiêu thụ được. Vì thế, đời sống một bộ phận nông dân càng thêm khó khăn. Nhiều nông dân hiện không đủ sức để khôi phục sản xuất, nên rất cần sự trợ lực từ nhiều phía.
Theo tính toán của ngành công thương và các địa phương, thiệt hại do dịch Covid-19 vừa qua gây ra cho ngành nông nghiệp không phải là nhỏ. Hàng chục nghìn tấn dưa hấu, ớt của nông dân trong tỉnh hiện nay rất khó tiêu thụ, giá bán sụt giảm mạnh. Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Chẳng hạn như ớt, giá có lúc chỉ bằng 10% so với cùng kỳ 2019, nhiều nông dân bán ớt không đủ trả nợ tiền vay đầu tư trước đó. 
 
Đối với dưa hấu, đúng vào thời điểm thu hoạch đợt đầu phục vụ xuất khẩu, do dịch Covid-19 bùng phát, nên thương lái không thu mua. Còn với sản phẩm củ mì, do ảnh hưởng dịch bệnh, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, đơn vị tiêu thụ chính, mặc dù trước đó đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, đã phải ngừng thu mua củ mì tươi cho vùng trồng trên diện tích lên đến 3.500ha... 
 
Nông dân cần sự hỗ trợ giống, phân bón, nguồn vốn để đầu tư sản xuất vụ mới.                           Ảnh: PV
Nông dân cần sự hỗ trợ giống, phân bón, nguồn vốn để đầu tư sản xuất vụ mới. Ảnh: PV
Quảng Ngãi hiện có 1,3 triệu dân, trong đó nông dân trực tiếp sản xuất, lao động nông nghiệp hơn 416 nghìn người. Nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông dân, song khó khăn vẫn chưa được đẩy lùi, thậm chí còn gia tăng khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
 
Dịch bệnh dần đi qua, hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt nhịp với trạng thái mới, nhưng do tình hình kinh tế chung bị suy thoái, thêm vào đó, nhiều địa phương còn phải đối diện với tình trạng hạn hán, nên việc khôi phục sản xuất vô cùng khó khăn. Trước đó, một bộ phận nông dân cũng đã bị kiệt quệ bởi dịch tả heo Châu Phi kéo dài đến nửa năm trời. Để giúp nông dân vượt qua thách thức kép, cần sự quan tâm đúng mức, trong đó cần tính toán đến đặc thù nông dân từng vùng, giúp nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước khôi phục sản xuất.
 
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đinh Duy Sung: "Đồng hành cùng nông dân vượt khó"
 
Chính phủ vừa triển khai nhiều gói hỗ trợ, đặc biệt là quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh, giúp nền kinh tế hồi phục. Thế nhưng cũng cần quan tâm hỗ trợ đúng mức để nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp. Nhiều DN bao tiêu sản phẩm nông nghiệp để xuất khẩu, nếu nông dân chưa thể chăn nuôi, trồng trọt trở lại thì hoạt động của DN cũng sẽ gặp khó. Hơn nữa, nông dân bây giờ sản xuất sản phẩm hàng hóa, vốn đầu tư cũng rất lớn, nếu chỉ cho vay nhỏ giọt theo các kênh dành cho nông nghiệp như hiện nay thì chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết cho đầu tư của người dân.
 
Sau đại dịch, sản xuất nông nghiệp cũng bộc lộ nhiều bất cập, vì thế cũng cần định hình lại kịch bản sản xuất lâu dài. Bài toán hỗ trợ nông dân phải tập trung vào các giải pháp quyết liệt thể hiện tinh thần "đồng hành cùng nông dân" để giải quyết 3 vấn đề lớn: Đầu tư cái gì, hợp tác với ai và tiêu thụ sản phẩm ở đâu?
 
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Nguyễn Quốc Việt: "Nông dân huyện đảo trông chờ kích cầu du lịch"
 
Nhiều tháng qua, đời sống, sản xuất, thu nhập của nông dân huyện đảo Lý Sơn bị ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch Covid-19. Sản phẩm làm ra như hành, tỏi và hải sản khai thác được phụ thuộc vào sức tiêu thụ của khách du lịch, nhưng du lịch đóng băng, dẫn đến tình trạng ùn ứ, giá rẻ. Hơn nữa, đất nông nghiệp ở đảo hạn hẹp, ngoài trồng hành, tỏi, đại bộ phận nông dân còn tham gia làm du lịch cộng đồng.
 
Tất cả các dịch vụ du lịch bị đình trệ, thì không chỉ DN kiệt quệ mà đời sống nông dân cũng sa sút theo. Vì thế, điều mong mỏi lớn nhất của nông dân huyện đảo hiện tại không phải là được vay vốn hay hỗ trợ giống như nông dân các vùng khác trong tỉnh mà là Chính phủ, tỉnh sớm có chính sách kích cầu du lịch để tiêu thụ nông sản, tạo việc làm, thu nhập, sớm ổn định cuộc sống cho nông dân.
 
Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam: “Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn phục vụ lĩnh vực tam nông”
 
Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cũng như toàn ngành, Agribank Quảng Ngãi đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, đã thực hiện cơ cấu lại nợ cho khách hàng vay vốn đầu tư trồng dưa hấu, ớt... với số dư nợ trên 73 tỷ đồng, số dư nợ được miễn giảm lãi hơn 24 tỷ đồng. Đồng thời, triển khai gói cho vay mới (quy mô 100 nghìn tỷ đồng-PV), với lãi suất giảm từ 0,5% - 2,5%, tùy theo đối tượng khách hàng.
 
Hiện nay, việc cho vay của ngân hàng đã được thực hiện thông qua tổ, hội tại các xã, phường nên rất thuận lợi cho người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Lãi suất đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn được ưu đãi theo Nghị định 55 của Chính phủ. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho nông dân, ngân hàng cũng đã triển khai chương trình cho vay tín chấp qua tài khoản thấu chi. Hình thức cho vay này đã đáp ứng được nhu cầu cấp bách của người dân trong lúc thiếu vốn như mua phân bón, giống... phục vụ sản xuất trong vụ mới, góp phần hạn chế sử dụng tín dụng đen.
 
Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) Võ Tấn Quang: “Cần nhân rộng chương trình cho nông dân mua phân bón trả chậm”
 
Những năm gần đây, thông qua chương trình của Hội Nông dân tỉnh, hội nông dân cơ sở đã triển khai cho nông dân trên địa bàn xã mua phân bón trả chậm. Người dân sẽ được cung cấp đủ lượng phân bón theo nhu cầu, nhưng chưa cần phải thanh toán tiền ngay từ đầu vụ, mà sẽ trả sau khi thu hoạch mùa vụ mới.
 
Cách làm này đã góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, đảm bảo năng suất cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, hiện nay còn rất nhiều nông dân chưa tiếp cận với cách làm này. Một khi chương trình này được nhân rộng sẽ hỗ trợ một phần khó khăn cho nông dân khi vào mùa vụ mới.
 
Bà Lê Thị Liên, xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh): “Nếu được trợ lực, nông dân sẽ có động lực vượt qua khó khăn”
 
Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp của người nông dân lại gặp khó khăn như hiện nay, do dịch bệnh, giá nông sản rẻ mạt. Thời điểm này, nông dân lại đang chuẩn bị xuống giống vụ mới, nên đủ thứ chi phí phải lo. Trong khi đó, giá giống các loại cây trồng, vật nuôi lại quá cao, nông dân đã kiệt sức, không biết xoay xở thế nào. Nếu được Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về cây con giống, hoặc có chương trình mua phân bón, giống trả chậm, đặc biệt là tạo điều kiện cho nông dân chúng tôi tiếp cận được với nguồn vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi vụ mới, nhằm vượt qua khó khăn hiện nay.
 
 
 T.Nhị - H.Hoa
(thực hiện)
 

.