(Báo Quảng Ngãi)- Quy định chồng chéo và “vênh” nhau, khiến Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Chi cục Thủy sản tỉnh gặp khó trong quá trình thực hiện, còn ngư dân thì rơi vào thế... phạm luật!
TIN LIÊN QUAN |
---|
“Tôi thường neo tàu ở cảng Thọ Quang (TP.Đà Nẵng). Khi tàu đến hạn đăng kiểm, cán bộ của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá tỉnh vẫn đến tận nơi để kiểm tra, xác định và làm thủ tục cấp, gia hạn. Điều này giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí đi lại”, ngư dân Phan Văn Thái, phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) cho biết.
Quy định cấp giấy phép khai thác hải sản xa bờ cho nhóm tàu công suất trên 90CV, nhưng chiều dài dưới 15m hiện còn nhập nhằng, khiến cơ quan chức năng lẫn ngư dân đều gặp khó. |
Để thuận lợi trong việc bán sản phẩm, phần lớn tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi thường cập cảng ở các tỉnh Quảng Nam, TP.Đà Nẵng... Vì vậy, nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu kiểm định và đăng kiểm phương tiện của ngư dân, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã sắp xếp, bố trí lịch đăng kiểm lưu động định kỳ cho các tàu cá neo đậu ngoài tỉnh.
“Điều thuận lợi là từ đầu năm 2020, Trung tâm là một trong bốn đơn vị của cả nước đủ điều kiện đăng kiểm cho tất cả các loại tàu cá của TP.Đà Nẵng và 2 tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam. Với những chiếc tàu có chiều dài từ 24m trở lên, chủ tàu không còn gặp khó khăn trong quá trình đăng kiểm như trước”, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá Tạ Công Cuộc cho biết. Tuy nhiên, hiện nay, một số quy định không còn phù hợp, nên vừa làm khó công tác đăng kiểm, vừa đẩy ngư dân rơi vào tình thế... phạm luật!
Theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, tàu cá có chiều dài trên 15m phải vào cảng cá chỉ định do Bộ NN&PTNT công bố để bán cá. Tuy nhiên, 4 cảng cá chỉ định trên địa bàn tỉnh, gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (Đức Phổ) không đáp ứng các yêu cầu, lại mất an toàn, nên ngư dân cập cảng tự phát, để xuống cá.
“Điều kiện luồng lạch, bến bãi, cơ sở hạ tầng ở các cảng chỉ định không đảm bảo, mà bắt buộc chúng tôi phải cập cảng xuống cá, thì khác nào làm khó chúng tôi”, ngư dân Nguyễn Văn Hạnh, xã Bình Chánh (Bình Sơn) bày tỏ. Trong khi đó, nếu ngư dân cập cảng tự phát, thì lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan cũng không tiến hành thực hiện các thủ tục liên quan, trong đó có công tác đăng kiểm.
Một khó khăn nữa là, quy định cấp giấy phép khai thác hải sản xa bờ cho nhóm tàu công suất trên 90CV, nhưng chiều dài dưới 15m hiện còn nhập nhằng. Trong khi quy định cũ yêu cầu tàu theo công suất trên 90CV sẽ được cấp phép khai thác xa bờ, thì Luật Thủy sản 2017 chỉ cho phép những tàu có chiều dài từ 15m trở lên mới được vươn khơi xa. Điều này khiến hơn 100 chiếc tàu của ngư dân trong tỉnh phải hoạt động khai thác hải sản “chui”, vì chủ tàu không thực hiện được các thủ tục đăng kiểm, cũng như không được gia hạn hoặc cấp mới giấy phép khai thác hải sản.
Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, dù phát hiện một số phương tiện hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển vi phạm ngư trường khai thác, hoạt động sai nghề, tàu chưa thực hiện đăng kiểm theo quy định, không đầy đủ hồ sơ tàu cá... nhưng lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, tuyên truyền và giải thích cho ngư dân hiểu, chấp hành. Tuy nhiên, đây là một trong những nội dung mà Ủy ban Châu Âu sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong thời gian tới, nên cần sớm được tháo gỡ và giải quyết.
“Chi cục Thủy sản tỉnh đã tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét gia hạn thời gian, quy định cụ thể việc chuyển đổi hoặc cải hoán, để chủ tàu có hướng điều chỉnh. Chứ quy định chung chung như hiện nay khiến ngư dân, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện”, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho hay.
Bài, ảnh: MỸ HOA