(Báo Quảng Ngãi)- Ngày 7.4, Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo kết luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là chỉ đạo không “ngăn sông cấm chợ”, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm hiện nay và hậu dịch Covid-19.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Doanh nghiệp nỗ lực sản xuất
Theo nhiều doanh nghiệp (DN), chỉ đạo kịp thời này của tỉnh đã làm cho DN an tâm hơn, duy trì ổn định sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Hiện tại, trên địa bàn Quảng Ngãi có nhiều DN đã tạm dừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng cũng có không ít DN nỗ lực giữ vững sản xuất. Giữ mạch sản xuất không có nghĩa là tìm kiếm lợi nhuận tức thời, mà là ổn định tâm lý cho người lao động, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, giữ chân người lao động để "chạy đua" ở chặng hậu dịch Covid-19.
Công nhân Nhà máy May Vinatex Dung Quất trong ca sản xuất. Ảnh: Thanh Nhị |
Trên địa bàn tỉnh, hiện có 4 nhà máy may của Công ty Vinatex, với số lao động khoảng 1.800 người. Việc duy trì sản xuất trong thời điểm xảy ra dịch Covid-19 đã đẩy chi phí tăng cao, nhưng hầu hết các nhà máy vẫn nỗ lực hoạt động, để vừa may khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước, vừa may hàng xuất khẩu theo đơn hàng đã ký kết từ năm 2019.
Trong đó, Nhà máy May Vinatex Dung Quất đang duy trì việc làm ổn định cho hơn 700 lao động. Theo Ban Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất, việc làm của công nhân sẽ được duy trì đến hết tháng 5.2020. Sau thời gian này, nếu tình hình dịch chưa giảm, lãnh đạo nhà máy sẽ có kịch bản sản xuất, kinh doanh mới.
“Sau khi dịch Covid-19 qua đi, việc khôi phục sản xuất sẽ nhanh hơn khi lực lượng lao động ổn định, tác phong công nghiệp vẫn được duy trì. Đó là nội lực to lớn để vượt qua khó khăn, bắt nhịp nhu cầu thị trường ngay sau khi hết dịch, nối lại giao thương”.
Giám đốc Nhà máy May Vinatex Dung Quất
NGUYỄN THÀNH AN
|
Ngư dân vững tin ra khơi
Khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã vững tin “rẽ sóng vươn khơi”, khai thác hải sản, nhằm ổn định cuộc sống và sản xuất... “Đây là vụ làm ăn chính trong năm, cộng với thời tiết đang thuận lợi, giá xăng, dầu giảm, nên tôi tranh thủ vươn khơi, để anh em bạn tàu có thêm thu nhập”, ngư dân Nguyễn Trung, ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ) cho biết. Ngày 8.4 (tức 16.3 âm lịch), ông Trung cùng 12 lao động vươn khơi khai thác hải sản ở vùng biển Hoàng Sa. Vì vậy, từ ngày 7.4, ông Trung đã nạp dầu, chuyển những vật dụng, nhu yếu phẩm thiết yếu lên tàu.
Trong khi đó, ngư dân Phạm Sách, ở xã Bình Châu (Bình Sơn) cũng huy động lao động tập trung nạp tổn, chuyển lương thực, thực phẩm lên tàu để kịp ra khơi vào ngày 8.4. “Ngoài kiếm kế mưu sinh, vươn khơi cũng là một cách để ngư dân “vượt khó” giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng không làm đảo lộn cuộc sống và kinh tế của gia đình, bạn tàu”, ông Sách lý giải.
Ngư dân chuyển đá, nạp tổn sẵn sàng vươn khơi. Ảnh: MỸ HOA |
Hơn nữa, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá các loại hải sản cũng chỉ giảm nhẹ, thương lái không “làm khó” khi thu mua, trong khi chi phí nhiên liệu giảm, nên ngư dân sẽ có thu nhập khá hơn. Chính vì vậy, các tàu cá trên địa bàn tỉnh vẫn tấp nập vươn khơi, để vừa đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống, vừa cung cấp hải sản, góp phần ổn định thị trường và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mặc dù vươn khơi xa, nhưng ngư dân vẫn thường xuyên theo dõi và cập nhật thông tin về dịch Covid-19 qua các kênh thông tin, chủ yếu là Icom và radio. Qua đó, nhiều ngư dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh, nhất là mỗi khi ra vào cảng cá. Theo đó, ngoài việc mang khẩu trang trong quá trình tiếp xúc, giao tiếp ở khu vực cảng cá, trước khi vươn khơi, chủ tàu còn thực hiện việc khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra sức khỏe cho các lao động. Thậm chí, để đảm bảo an toàn, một số chủ tàu còn yêu cầu lao động ở ngay trên tàu, không về thăm nhà như những chuyến biển trước.
Để giúp ngư dân thuận lợi và vươn khơi an toàn trong mùa dịch, chính quyền các địa phương ven biển và ngành chuyên môn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên ngư dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, kể cả trong quá trình khai thác hải sản trên biển cũng như khi ra, vào cảng cá. Ngoài giấy phép khai thác, có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trước khi xuất bến, các tàu cá phải tuân thủ nghiêm ngặt việc khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe cho lao động, báo cáo thời gian tàu xuất cảng...
Không “ngăn sông cấm chợ”
Ngay sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly xã hội đến 15.4, một số địa phương, đơn vị đã triển khai gắt gao các biện pháp mạnh “dừng các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thương mại” để hạn chế tập trung đông người. Hầu hết các cửa hàng kinh doanh (trừ siêu thị, chợ, cửa hàng thương mại) đã dừng hoạt động. Tuy nhiên, ngay sau khi Thường trực Tỉnh ủy có thông báo kết luận, sáng 8.4, nhiều hàng quán đã mở cửa kinh doanh trở lại, nhưng không tổ chức phục vụ tại chỗ, mà chỉ bán đem về, hoặc giao hàng tận nhà. Hoạt động kinh doanh này trên thực tế bảo đảm các biện pháp cách ly xã hội trong quá trình sản xuất, kinh doanh, không để lây nhiễm dịch trong cộng đồng, đúng với chỉ đạo của tỉnh về cách ly xã hội không phải là “ngăn sông cấm chợ”, không phải là ngăn cấm lưu thông hàng hóa và dịch vụ thiết yếu.
Chị Nguyễn Thị Xuân, xã Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) bán hàng ăn sáng trên đường Phan Chu Trinh (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Ngay sau khi biết được thông tin cho phép bán hàng mang về, bán hàng giao tận nhà, sáng 8.4, gia đình tôi đã mở bán đồ ăn sáng trở lại. Cũng trong sáng 8.4, lực lượng chức năng có đến kiểm tra, nhắc nhở đảm bảo không tụ tập đông người, chứ không cấm như trước đó nữa. Tôi thấy đây là quy định hợp lý, tạo điều kiện cho người buôn bán nhỏ làm ăn, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của một bộ phận người dân trong tỉnh”.
THANH NHỊ - MỸ HOA