Công ty CP Đường Quảng Ngãi: Nỗ lực vượt qua "thách thức kép"

03:04, 24/04/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngành mía đường Việt Nam, trong đó có Công ty CP Đường Quảng Ngãi đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ dịch Covid-19 và Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA). Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh phù hợp, công ty đã và đang đề ra nhiều giải pháp nỗ lực vực dậy sản xuất, biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Khó khăn chồng chất
 
Bắt đầu từ ngày 1.1.2020, ATIGA đã có hiệu lực và được đánh giá là sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động của ngành mía đường nói chung và Công ty CP Đường Quảng Ngãi nói riêng. Hiện tại, có thể những tác động này chưa rõ ràng, song theo dự báo của ngành mía đường, ATIGA sẽ tạo ra nhiều khó khăn về lâu dài.
 
Khi ATIGA có hiệu lực, buộc các nước phải mở cửa thị trường, xuất khẩu đường vào thị trường Việt Nam chỉ với mức thuế từ 0 - 5% cho các nước ASEAN, trong đó, Thái Lan với vị trí xuất khẩu đường đứng thứ 2 thế giới, nên có nhiều ưu thế hơn. 
 
Sản xuất sản phẩm nước giải khát tại Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích (Công ty CP Đường Quảng Ngãi).
Sản xuất sản phẩm nước giải khát tại Nhà máy Nước khoáng Thạch Bích (Công ty CP Đường Quảng Ngãi).
 
Ngành công nghiệp đường của Thái Lan, với năng lực sản xuất đường gần gấp 6 lần so với tiêu thụ, có nghĩa là 80% sản lượng đường sản xuất tại Thái Lan sẽ dành cho xuất khẩu, đặt ra những khó khăn nhất định cho ngành mía đường Quảng Ngãi. Hơn nữa, giá thành trung bình sản xuất 1kg đường trắng năm 2020 dự kiến sẽ tăng thêm 300 - 600 đồng, trong khoảng 12.500 - 12.800 đồng/kg, sẽ khó cạnh tranh với đường giá rẻ của Thái Lan.
 
Trong khi đó, những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của công ty, dẫn đến sản xuất, thị trường thu hẹp, do sức tiêu thụ giảm mạnh. Các kênh phân phối nội địa có thời gian dài đã phải đóng cửa theo yêu cầu "cách ly xã hội"; kênh xuất khẩu thì đối tác ngừng tiếp nhận để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Một số nhà máy thuộc công ty trong tháng 3 và nửa đầu tháng 4 chỉ duy trì sản xuất ở mức 10- 20% công suất...
 
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng cổ phiếu của Công ty CP Đường Quảng Ngãi được nhận định đang có mức giá hấp dẫn. Công ty Chứng khoán SSI đã đưa ra khuyến nghị khả quan cùng mức định giá 30.500 đồng/cổ phiếu, đồng thời chiết khấu giá mục tiêu 15% để phản ánh những rủi ro liên quan đến cổ phiếu. Dự báo lợi suất dòng tiền tự do giai đoạn 2020 - 2022 của công ty khoảng 19 - 30%.
Kịch bản phục hồi
 
Năm 2020, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.400 tỷ đồng, bằng với kế hoạch đặt ra cho năm 2019; lãi trước thuế 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 913 tỷ đồng. Để thực hiện đạt kế hoạch, Công ty CP Đường Quảng Ngãi sẽ hoàn thiện dự án mở rộng, nâng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày; hoàn thành Dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê; hoàn thiện dự án đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE, công suất 1.000 tấn đường/ngày.
 
Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết: "Định hướng phát triển trong thời gian tới, Công ty CP Đường Quảng Ngãi sẽ tập trung phát triển, mở rộng ngành hàng sữa đậu nành và những dòng sản phẩm dinh dưỡng khác có nguồn gốc từ đậu nành, mang thương hiệu Vinasoy. Đồng thời, tính toán phát triển hợp lý các sản phẩm khác với mục tiêu, nội lực rõ ràng của các nhà máy trực thuộc".
 
Đối với ứng phó, phục hồi sau đại dịch Covid-19, Công ty CP Đường Quảng Ngãi kỳ vọng sẽ sớm bắt nhịp với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu đối với sữa đậu nành Vinasoy. Nguyên nhân, trong kế hoạch xuất khẩu sữa đậu nành đi Trung Quốc chỉ chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 30 - 40 tỷ đồng) trong tổng doanh thu từ mảng ngành này, còn doanh thu trong nước rất ít bị ảnh hưởng. Các sản phẩm khác như nước khoáng, bánh kẹo, đường, ngay sau thời gian nới lỏng quy định phòng, chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi trở lại.
 
Bài, ảnh: THANH NHỊ
 
 

.