(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, nhất là trong vụ sản xuất hè thu là một trong những giải pháp vừa hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn, vừa tăng thu nhập cho người nông dân.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Yêu cầu bức thiết
Năm 2019, huyện Sơn Tịnh đã chuyển đổi hơn 62ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bắp, năng suất bình quân đạt trên 66 tạ/ha. Việc chuyển đổi đã nâng giá trị sau thu hoạch đạt 83 triệu đồng/ha, giúp nông dân vừa tránh được thiệt hại do hạn hán, vừa tăng thu nhập. Từ kết quả này, vụ hè thu năm 2020, địa phương này đã chủ động xây dựng kế hoạch cắt giảm hàng trăm hécta đất canh tác lúa để chuyển sang sản xuất một số loại cây trồng cạn như: Bắp lai, đậu phụng, rau quả...
“Số diện tích lúa dự kiến chuyển đổi chủ yếu nằm ở các khu vực cuối kênh, hoặc không có công trình thủy lợi, nên thường xuyên bị khô hạn. Việc chuyển đổi là giải pháp mang tính bắt buộc, nhằm giúp nông dân giảm thiểu thiệt hại”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh Phạm Hồng Sơn cho biết.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra vùng trồng bắp - cây trồng thay thế lúa ở những diện tích không đảm bảo nước tưới. |
Trong khi đó, nhiều năm nay, nông dân một số địa phương như: Bình Thanh (Bình Sơn), Phổ Cường (thị xã Đức Phổ)... cũng lao đao trong vụ sản xuất hè thu, do hạn hán, nhiều diện tích đất canh tác lúa ở đây phải bỏ hoang, hoặc sụt giảm năng suất. Điều đáng nói là, ngay từ đầu vụ hè thu, chính quyền địa phương đã xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng trên những chân ruộng lúa gặp khó khăn về nguồn nước tưới. Với phương châm “còn nước còn tát”, nhiều nông dân vẫn cố gieo sạ lúa, nên bị thiệt “kép” vì “thu không đủ chi”.
Phải quy hoạch vùng sản xuất
Chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn là giải pháp hữu hiệu giúp nông dân giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tuy nhiên, chuyển như thế nào để mang lại hiệu quả thiết thực mới quan trọng, vì thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện theo phong trào “thiếu đâu làm đó”, chứ chưa chủ động xây dựng kế hoạch cũng như chưa điều tra điều kiện, đặc thù để quy hoạch vùng sản xuất cho phù hợp.
Như các xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), Bình Đông (Bình Sơn), cứ vào vụ sản xuất hè thu là nông dân các địa phương này lại thấp thỏm nỗi lo xâm nhập mặn, nhiễm phèn. Vấn đề là, do mạch nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn nghiêm trọng, nên nếu chuyển từ sản xuất lúa sang các loại cây trồng khác thì cũng chưa hẳn đảm bảo hiệu quả.
Ngoài ra, có tình trạng chính quyền địa phương và người dân trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Năm 2017, khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 58, hỗ trợ với mức 2,4 triệu đồng/ha (nếu chuyển sang trồng bắp); 2 triệu đồng/ha (đối với những cây còn lại), thì toàn tỉnh chuyển đổi gần 1.000ha, con số này của năm 2018 là 813ha. Nhưng đến năm 2019, Quyết định 58 hết hiệu lực thì chỉ có 580ha diện tích lúa kém hiệu quả được chuyển đổi!
Chính vì vậy, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương và đơn vị liên quan cần quyết liệt chỉ đạo và tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, phải rà soát kỹ diện tích sản xuất lúa có nguy cơ bị thiếu nước, xây dựng phương án chuyển đổi cho phù hợp với điều kiện từng vùng, cũng như chủ động quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng phù hợp. Nếu diện tích nào nằm ngoài khả năng chuyển đổi thì không tổ chức sản xuất, tránh thiệt hại cho nông dân.
Lo "vỡ kế hoạch"
Trong năm 2020, ngành NN&PTNT tỉnh có kế hoạch chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây trồng khác gần 780ha. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế ở các địa phương, ngành NN&PTNT không khỏi lo lắng, khi vụ hè thu năm nay, diện tích lúa không đảm bảo nước tưới sẽ tăng, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất dễ “vỡ kế hoạch”, vì người dân không mặn mà, bởi tỉnh không có chính sách hỗ trợ kinh phí để khuyến khích nông dân thực hiện!
|
Bài, ảnh: MỸ HOA