Ứng phó với khô hạn và nhiễm mặn

06:03, 31/03/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Theo dự báo, năm 2020 sẽ xảy ra khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn ở nhiều vùng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương đã triển khai các giải pháp nhằm ứng phó có hiệu quả tình trạng này.
Nỗi lo thiếu nước sản xuất
 
Những ngày này, tại xã Bình Mỹ (Bình Sơn), để cứu hơn 18ha lúa đang trong giai đoạn làm đòng, chính quyền địa phương đã sử dụng máy bơm để chống hạn. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ Trần Quang Hà cho biết: “Xã Bình Mỹ nằm cạnh sông Trà Bồng, nhưng năm nào cũng thiếu nước sản xuất vào mùa khô. Mới đây, địa phương đã dùng máy bơm vào tưới cánh đồng lúa thôn An Phong. Dự báo tình hình khô hạn năm nay sẽ khốc liệt hơn, nên nông dân đối mặt với nhiều khó khăn”. 
Thi công công trình khắc phục sạt lở kè, đê bờ hữu sông Trường - Đồng Bụp, ở thôn Nam Phước, xã Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ). Ảnh: Đình Diệu
Thi công công trình khắc phục sạt lở kè, đê bờ hữu sông Trường - Đồng Bụp, ở thôn Nam Phước, xã Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ). Ảnh: Đình Diệu
Không riêng gì xã Bình Mỹ, nhiều địa phương cũng đang canh cánh nỗi lo thiếu nước sản xuất. Năm nay, thị xã Đức Phổ được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về nước tưới. Trong đó, tập trung ở các vùng hưởng nước từ hồ Liệt Sơn, Sở Hầu và xã Phổ Cường. Hiện hồ chứa nước Liệt Sơn chỉ còn 31% dung tích thiết kế, còn hồ Sở Hầu cũng chỉ còn 48% dung tích thiết kế.
 
Hiện toàn tỉnh có 123 hồ chứa nước, dung tích nước hiện nay còn lại trong hồ khoảng 60%, thấp hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay không có mưa và dự báo đến giữa năm nay, khả năng mưa rất thấp, thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 40%. Do đó, khả năng cuối vụ đông xuân, nhất là vụ hè thu sẽ xảy ra hạn rất cao.
 
Trước những dự báo về tình hình thiếu nước tưới từ vụ đông xuân, nhiều địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp tiết kiệm nước tưới, cũng như phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo thiết kế, hồ chứa nước Liệt Sơn, đảm nhận tưới cho 1.450ha, nhưng trong phương án chống hạn, thị xã Đức Phổ đã xây dựng “kịch bản” hồ này chỉ còn tưới cho 800ha ở vụ hè thu. Bên cạnh đó, ngay từ đầu tháng 2.2020, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình thủy lợi Quảng Ngãi đã thực hiện giải pháp tưới luân phiên theo chu kỳ 5 ngày tưới, 5 ngày nghỉ.
 
Nỗ lực chống xâm nhập mặn
 
Những năm trước, cứ đến vụ lúa đông xuân, vợ chồng ông Lê Trung, ở thôn Nam Phước, xã Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) cũng như tất cả các hộ dân sạ lúa ở cánh đồng Bụp phải “oằn” mình đắp đê, đập ngăn mặn. Chính vì thế,  mỗi năm người dân ở đây chỉ gieo sạ có một vụ và năng suất không được như mong muốn. Ông Trung cho biết: “Cứ tới vụ lúa, chúng tôi phải vét cát, vét bùn từ ruộng, lòng sông Trường lên để đắp bờ. Có vậy mới khắc phục được phần nào nước mặn xâm nhập vào. Có những năm, nước mặn dâng cao tràn vào ruộng, coi như mất mùa. Bây giờ rút kinh nghiệm, khi nước lên, chúng tôi thay phiên nhau đậy nắp cống nối với sông lại, khi nào nước rút thì tháo ra đã hạn chế được phần nào nước mặn xâm thực vào ruộng”.
 
Để ngăn mặn xâm thực vào ruộng lúa, nông dân xã Bình Dương và thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đã nỗ lực, tìm mọi cách ngăn chặn. Với nguồn kinh phí hằng năm của các cấp hỗ trợ, bà con đã dùng tre, cọc, bao tải cát... đắp đê, ngăn mặn ngay hạ lưu nhánh sông Trà Bồng, đoạn qua hai địa phương này. Ông Hồ Thanh Phòng, ở thị trấn Châu Ổ cho biết: “Năm nào Nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí để dân làm kè, đê chống xâm nhập mặn, nhờ vậy mà lúa, ớt, hoa màu mới không bị thất thu. Tuy nhiên, nông dân cũng rất nỗ lực bảo vệ ruộng đồng của mình. Diện tích nào bị nhiễm mặn là tháo nước ra và dùng máy bơm công suất lớn bơm nước ngọt từ sông lên xả mặn, cứu lúa”. 
Tưới phun sương là một trong những giải pháp tiết kiệm nước tưới hiệu quả.  ảnh: H.H
Tưới phun sương là một trong những giải pháp tiết kiệm nước tưới hiệu quả. ảnh: H.H
Trước tình hình xâm nhập mặn ở nhiều địa phương, chính quyền các cấp đã trích nguồn kinh phí hỗ trợ để xây kè, đê chống xâm nhập mặn, bảo vệ hoa màu cho người dân. Mới đây, huyện Đức Phổ và UBND xã Phổ Vinh đã tiến hành đầu tư, xây dựng công trình kè, đê bờ hữu sông Trường - Đồng Bụp, ở thôn Nam Phước, với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng. Theo Chủ tịch UBND xã Phổ Vinh Nguyễn Văn Hùng, khi công trình kè hoàn thành thì hơn 15ha lúa sẽ được gieo sạ 2 vụ/năm và không còn lo vấn đề xâm nhập mặn. Trước đó, địa phương cũng xin nguồn kinh phí và được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng công trình khắc phục sạt lở tuyến đê bờ nam sông Rớ - sông Trường, tại thôn Khánh Bắc. Sau khi công trình này hoàn thành, đưa vào sử dụng, việc xâm nhập mặn đã được khắc phục.
 
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thới Nguyễn Quang Hiệp chia sẻ: “Những năm qua, lãnh đạo các cấp cũng đã trích nguồn kinh phí rất lớn để đắp các đập ven sông. Theo đó, hai đập bổi: Một đập thuộc nhánh sông Trà Bồng chạy qua địa bàn các xã Bình Phước và Bình Thới (nay đã sáp nhập vàp thị trấn Châu Ổ); một đập thuộc sông chính đoạn qua xã Bình Dương đã được đắp kiên cố. Một số nơi, bờ đê sông cũng đã được đầu tư xây dựng kiên cố bằng bê tông. Bây giờ, người dân ở các thôn ven sông đã phần nào yên tâm gieo sạ, không còn lo bị xâm nhập mặn”.
Xây dựng phương án chuyển đổi cây trồng
 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mậu Văn cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện tổng thể các giải pháp về chống hạn, xâm nhập mặn. Theo đó, thường xuyên thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, sửa chữa cửa cống lấy nước bị rò rỉ, thất thoát nước; đắp đập tạm ngăn mặn, đào ao, khoan giếng để bơm nước phục vụ sinh hoạt và chống hạn cho cây trồng. Cùng với đó, áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng như tưới nhỏ giọt, phun sương. Đối với những vùng thường xảy ra khô hạn, vùng có chân ruộng cao, vùng nằm ở cuối kênh thường xuyên thiếu nước tưới… phải chuyển đổi sang cây trồng cạn trong vụ hè thu năm 2020, nhằm sử dụng ít nước tưới để đảm bảo hiệu quả sản xuất.

 

HỒNG HOA - ĐÌNH DIỆU
 
 
 
 
 

.