Liên kết mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành

03:03, 28/03/2020
.
(Baoquangngai.vn) – Đưa giống mới cho năng suất cao vào sản xuất, “bắt tay” với nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra đạt chất lượng, liên kết sản xuất đậu nành đang giúp nông dân yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định.
Hãy nhấn vào đường link bên dưới để tải ứng dụng Báo Quảng Ngãi trên Google Play và App Store.

TIN LIÊN QUAN

Thử nghiệm ở nhiều vùng đất mới

Gần 50 hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) đang tranh thủ thu hoạch đậu nành, phơi khô để bán cho Nhà máy Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy). Đây là lứa đầu tiên, nông dân “bắt tay” với nhà máy trồng thử nghiệm đậu nành với diện tích 5,38 ha tại bãi bồi ven sông Vệ.

Hai sào đậu nành của gia đình ông Nguyễn Tấn Lạc cho quả sai, to, đều, mỗi bụi khoảng 30 quả, cho sản lượng khoảng 1,2 tạ/sào (500m2). Ở chất đất này, đậu nành có hiệu quả kinh tế hơn so với cây bắp lại được hỗ trợ giống, ít tốn phân bón, công chăm sóc.

Nông dân Nghĩa Lâm thu hoạch đậu nành trồng xen mì.
Nông dân Nghĩa Lâm thu hoạch đậu nành trồng xen mì.

Giá mía chạm đáy, cây mì thất thu vì bị virus khảm lá, vụ đông xuân này, nông dân Nghĩa Lâm cũng liên kết với Vinasoy chuyển 3 ha diện tích mía, mì sang trồng thử nghiệm cây đậu nành.

Sau 3 tháng chăm sóc không mấy khó nhọc, ông Nguyễn Văn Cảnh, ở thôn 6 xã Nghĩa Lâm hào hứng thu hoạch lứa đầu tiên với diện tích 3 sào. Chưa thuần thục quy trình chăm sóc, nhưng ruộng đậu nành của gia đình ông Cảnh vẫn cho năng suất khá nhờ được cán bộ kỹ thuật của Vinasoy hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Ông Cảnh nhẩm tỉnh, nếu trồng xen với cây mì cho thu hoạch hơn 1,1 - 1,2 tạ tạ/sào, còn trồng chuyên canh thì 1,6 tạ/sào. Với giá thu mua hiện tại của Vinasoy cao hơn giá thị trường đảm bảo nông dân có lãi hơn những cây trồng khác.

Theo ông Cảnh, ưu điểm của cây đậu nành là dễ trồng, ít tốn công chăm sóc so với các cây họ đậu khác và thu nhập cao hơn hẳn so với cây mía, cây mì, hơn nữa nông dân không phải lo đầu ra vì Vinasoy thu mua toàn bộ sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Cây đậu nành cho quả sai, trung bình mỗi cây khoảng 30 quả.
Cây đậu nành cho quả sai, trung bình mỗi cây khoảng 30 quả.

Qua vụ sản xuất thử nghiệm, nông dân đã thấy được ưu điểm của cây đậu nành với các loại cây trồng khác. Mô hình này đang được xem là hướng đi mới, giúp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập ổn định cho nông dân.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm Nguyễn Duy Nhịp cho biết, định hướng của xã là nhân rộng mô hình với diện tích khoảng 50 ha. Cái khó của cây đậu nành tại địa phương là cần nước tưới.

Vì thế để giải quyết bài toán nước tưới, xã sẽ dùng kinh phí chỉnh trang đất màu để chỉnh trang diện tích trồng đậu nành kết hợp đầu tư hệ thống kênh mương bơm nước từ sông Trà về tưới cho đồng ruộng.

Lợi thế phát triển vùng nguyên liệu

Vụ đông xuân 2019 - 2020, ngoài những vùng đậu nành giống và vùng nguyên liệu đã liên kết sản xuất từ các vụ trước, Vinasoy đã liên kết trồng thử nghiệm tại nhiều vùng đất mới như Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa), Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), Tịnh Giang (Sơn Tịnh) với diện tích khoảng 50ha.

Hạt to, đều, đẹp.
Hạt to, đều, đẹp.

Việc liên kết sản xuất đậu nành nguyên liệu với Vinasoy mang lại nhiều lợi ích. Vinasoy cung ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng.

Vinasoy cũng đã hợp tác với Kubota thử nghiệm thành công máy gặt đậu nành chuyển đổi từ máy gặt lúa liên hợp, giúp cho việc thu hoạch đậu nành của nông dân thuận lợi hơn trước đây rất nhiều.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng đậu nành Vinasoy Lê Hoàng Duy cho biết, cây đậu nành phù hợp với các vùng đất bãi bồi ven các con sông của tỉnh. Nông dân tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, năng suất trung bình trung bình đạt từ 1,2 – 1,6 tạ/sào.

Đặc biệt với giống VINASOY 02-NS do Trung tâm chọn tạo kháng sâu bệnh rất tốt, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực miền Trung và Tây Nguyên, có thể cho năng suất 1,2 - 1,75 tạ/sào (2,4 - 3,5 tấn/ha), cao hơn các giống đậu nành truyền thống từ 1,5 - 2 lần. Ngoài ra, đậu nành có thể trồng xen với mì, giúp nông dân tăng thêm thu nhập và bổ sung độ phì nhiêu cho đất.

Đậu nành thích hợp với các vùng đất bãi bồi ven sông.
Đậu nành thích hợp với các vùng đất bãi bồi ven sông.

Nhu cầu đậu nành nguyên liệu chất lượng của Vinasoy để sản xuất hàng năm rất lớn. Qua nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, Vinasoy đã bắt đầu mở rộng vùng liên kết sản xuất khắp cả nước với hàng trăm ha nhằm có được nguồn nguyên liệu nội địa quanh năm để sản xuất các sản phẩm đặc thù giúp Vinasoy tạo ra sự khác biệt trên thị trường, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Đây là lợi thế để phát triển vùng nguyên liệu trong nước nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng. Hướng liên kết phát triển vùng nguyên liệu của Vinasoy đã và đang mở ra nhiều cơ hội mới trong việc làm nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, bền vững, khoa học cho người nông dân.

Tổng diện tích các bãi bồi tại những con sông chính của Quảng Ngãi lên đến 1.500ha. Việc chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng cây đậu nành giúp người dân nâng cao thu nhập hơn.

Vì thế, để mở rộng diện tích, xây dựng mối liên kết sản xuất bền vững rất cần sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương, thay đổi tư duy liên kết sản xuất của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và dần bỏ thói quen canh tác theo kiểu tự phát của người nông dân.

Bài, ảnh: A.KIỀU

 


.