Thu tiền triệu mỗi ngày nhờ nghề câu

07:02, 29/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chỉ cần một chiếc thuyền công suất nhỏ, lưỡi câu và cá nục làm mồi, ngư dân ở phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) thu về bình quân từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/ngày từ câu cá ven bờ.
Tầm 1 giờ sáng, khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ, thì hàng trăm ngư dân làm nghề câu ven bờ tại phường Phổ Vinh lại lên thuyền ra khơi “săn” cá đổng, cá căn, cá chình biển... Với mớ dây cước có gắn sẵn lưỡi câu và mồi, cùng một rổ đá cuội là đã đủ ngư cụ cho hành trình câu cá ngót nghét 12 giờ ngoài biển khơi. 
 
Ngư dân Nguyễn Chanh, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) mang thúng đựng dây câu xuống tàu để chuẩn bị cho hành trình vươn khơi lúc nửa đêm.
Ngư dân Nguyễn Chanh, phường Phổ Vinh (thị xã Đức Phổ) mang thúng đựng dây câu xuống tàu để chuẩn bị cho hành trình vươn khơi lúc nửa đêm.
Nói về bộ ngư cụ có "một không hai" của nghề câu truyền thống ở quê mình, ông Nguyễn Chanh - một ngư dân có thâm niên đi biển hơn 30 năm ở Phổ Vinh chia sẻ: Mấy cục đá này là “sáng kiến” giúp ngư dân chúng tôi đỡ được cả khối tiền đấy. Vì nó được dùng thay thế cho cục chì, giúp lưỡi câu và mồi câu chìm xuống đáy biển. Nghề câu tay truyền thống, không thể thiếu món này.
 
Dù vươn khơi đồng loạt, cùng lựa chọn đánh bắt hải sản tại vùng biển ven bờ, nhưng mỗi tàu câu đều lựa chọn cho mình bãi câu phù hợp. Việc dò tìm bãi câu thường căn cứ vào kinh nghiệm đi biển của mỗi ngư dân. Chia sẻ về nghề truyền thống gắn bó với mình đã 35 năm qua, ngư dân Huỳnh Ngon cho biết: “Chúng tôi câu cách bờ khoảng 10 - 15 hải lý, nên cứ 1 giờ sáng ra khơi, đến 14 - 15 giờ chiều về bờ. Lao động trên biển mười mấy tiếng đồng hồ cực nhọc lắm, nhưng bù lại, sau mỗi chuyến biển, tàu tôi thu về từ 2,5 - 3,5 triệu đồng. Chuyến nào “đói” thì cũng được cỡ 1 triệu, chuyến bội thu thì được 4 - 5 triệu đồng”.
 
Thu nhập khá nhờ “giữ lửa” nghề truyền thống, nên ngư dân ở phường Phổ Vinh đang không ngừng cải hoán, nâng cấp tàu thuyền và ứng dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao chất lượng, sản lượng nghề câu. Nói về lợi ích khi trang bị máy kéo cho tàu, ngư dân Nguyễn Chanh cho biết: “Ngày xưa kéo tay, mỗi nẹp câu tôi chỉ gắn cỡ 120 - 150 lưỡi câu, chứ không dám gắn nhiều vì sức mình không kéo nổi. Còn giờ, khi đã trang bị máy kéo, tôi có thể tăng số lưỡi câu ở mỗi nẹp câu lên gấp đôi. Nhờ vậy, sản lượng hải sản câu được cũng tăng theo”.
 
Hành trình vươn khơi làm nghề câu của ngư dân Phổ Vinh cứ lặp đi lặp lại đều đặn từ tháng Giêng đến tháng 8 âm lịch hằng năm. Thả hơn 2.000 lưỡi câu xuống biển mới mong thu về được vài chục ký cá, nhưng bù lại, cá câu từ làng chài Phổ Vinh luôn được các thương lái săn đón và trả giá cao hơn hẳn so với các loại cá đánh bắt bằng phương thức khác. Nhờ đó, họ “sống khỏe” với nghề. Nghề không phụ người, người cũng trân quý nghề. Làng chài Phổ Vinh hiện có ngót nghét 100 chiếc tàu hành nghề câu, chiếm gần 80% số lượng tàu đánh bắt thủy sản toàn xã. 
 
Thu nhập khá nhờ hậu cần nghề câu
 
Theo Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Vinh Trần Lệ, 3 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển, mở rộng của nghề câu, dịch vụ hậu cần nghề cá từ đó cũng phát triển theo. Toàn xã hiện có hơn 400 lao động, chủ yếu là phụ nữ và người lớn tuổi thường xuyên nhận làm các công đoạn như: Cột sẵn lưỡi câu vào dây câu, gắn mồi vào lưỡi câu... theo đặt hàng của các tàu làm nghề câu trên địa bàn xã. Tranh thủ làm việc vào lúc nhàn rỗi, nhưng thu nhập từ công việc này khá cao so với mặt bằng chung ở nông thôn, với mức từ 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày.
 
 
Bài, ảnh: Ý THU
 
 
 
 

.