Nông nghiệp khởi sắc

02:02, 09/02/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2019, ngành nông nghiệp tỉnh gặt hái nhiều kết quả nổi bật, các chỉ tiêu của ngành đều đạt và vượt so với năm 2018.
Tốc độ tăng trưởng toàn ngành bình quân đạt 5,5%/năm; giá trị sản xuất đạt trên 16 nghìn tỷ đồng; tổng sản lượng lương thực đạt trên 492 nghìn tấn; tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt trên  257 nghìn tấn. Đáng chú ý là có 13 dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đầu tư vào một số địa phương.
 
TRỒNG TRỌT NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG
 
Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp luôn duy trì mức tăng trưởng và phát triển toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Riêng năm 2019, GDP toàn ngành nông nghiệp đạt trên 16 nghìn tỷ đồng, tăng trên 5%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây.
 
Sản xuất nông nghiệp có bước chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, với “điểm nhấn” là chuyển đổi gần 540ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn; dồn điền đổi thửa gần 1.800ha. Các địa phương đã xây dựng 122 cánh đồng lớn lúa, đậu và mía, với diện tích trên 2.300ha. Năng suất lúa bình quân đạt 67,7 tạ/ha, mía đạt 669 tạ/ha, cao hơn 15% so với sản xuất đại trà. Ngành nông nghiệp cũng đã thực hiện các mô hình luân canh, xen canh, với tổng diện tích 1.500ha, giá trị sau thu hoạch đạt trên 73 triệu đồng/ha/năm... 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng (thứ 2 từ phải sang) tham gia xuống giống tỏi voi Nhật Bản do Công ty TNHH Sản xuất nông nghiệp sạch Việt Vân đầu tư.      ẢNH: NGỌC THẢO
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng (thứ 2 từ phải sang) tham gia xuống giống tỏi voi Nhật Bản do Công ty TNHH Sản xuất nông nghiệp sạch Việt Vân đầu tư. ẢNH: NGỌC THẢO
Cùng với sản xuất, việc thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 13 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, với tổng vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng.
 
CHĂN NUÔI ỔN ĐỊNH
 
Mặc dù dịch bệnh gây hại, nhất là dịch tả heo Châu Phi, nhưng tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định. Hiện đàn heo có gần 430 nghìn con, đàn bò có trên 290 nghìn con; đàn trâu trên 71 nghìn con; gia cầm hơn 5,1 triệu con... Việc chăn nuôi theo hình thức trang trại có nhiều chuyển biến tích cực, với 83 trang trại chăn nuôi và 34 trang trại tổng hợp chăn nuôi kết hợp trồng cây lâm nghiệp. Trong đó, có 22 trang trại chăn nuôi liên kết giữa người dân và 4 DN là: Công ty CP Thái Việt, Công ty CP GreenFeed, Công ty CP Mavin và Công ty CP Chăn nuôi CP. Các trang trại hiện có gần 17 nghìn con heo thịt, đảm bảo thịt heo phục vụ cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh vào dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020.
 
Cùng với đó, ngành chăn nuôi tích cực thực hiện công tác cải tạo giống, nâng cao chất lượng giống gia súc (đối tượng chủ lực là bò). Dự án “Cải tiến nâng cao chất lượng giống bò thịt tỉnh Quảng Ngãi” được thực hiện có hiệu quả, qua đó tăng tỷ lệ bò lai trong tổng đàn đạt 70,7%, góp phần nâng cao sản lượng và chất lượng thịt bò, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo đà phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hoá. Ngoài ra, ngành chăn nuôi và các địa phương cũng tập trung nghiên cứu, thay thế dần đàn heo cỏ thoái hóa, năng suất thấp và tiến hành lai tạo ra heo lai F1 có năng suất cao hơn, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ nông dân xóa đói giảm nghèo.
 “Thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn diện, theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân”. 
 
Giám đốc Sở NN&PTNT DƯƠNG VĂN TÔ
LÂM NGHIỆP BỨT PHÁ
 
Những năm qua, ngành lâm nghiệp đã triển khai hàng loạt các chương trình, nhằm nâng cao hiệu quả công tác trồng và quản lý rừng. Điển hình là Chương trình phát triển trung du và miền núi, Chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, Chương trình phát triển 5 triệu hécta rừng, Chương trình 135 và các dự án trồng rừng do nước ngoài tài trợ như dự án trồng rừng phòng hộ JBIC, WB3, KFW6... đã góp phần trồng mới và phục hồi hàng trăm nghìn hécta rừng. Vì vậy, đến năm 2019, diện tích có rừng ước đạt 334.278ha; độ che phủ rừng gần 52%; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác ước đạt 1.265.500m3...
 
Thời gian đến, song song với việc thu hút DN đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị gia tăng, HĐND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết 56/2017 về Chính sách hỗ trợ đầu tư trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn; hỗ trợ, khuyến khích trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn Quảng Ngãi. Cụ thể hóa Nghị quyết 56, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Dự án Hỗ trợ đầu tư vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, đảm bảo mục tiêu trồng 507ha rừng gỗ lớn.
 
THỦY SẢN ĐỨNG TRƯỚC NHIỀU CƠ HỘI
 
Năm 2019 khép lại với sản lượng khai thác biển đạt trên 257 nghìn tấn, tăng 7,4% so với năm 2018; sản lượng thủy sản nuôi cũng đạt trên 7.400 tấn, tăng 188 tấn so với năm 2018. 
Ngư dân Sa Huỳnh (Đức Phổ) ra quân đánh bắt thủy sản dầu năm. Ảnh Minh Hoàng
Ngư dân Sa Huỳnh (Đức Phổ) ra quân đánh bắt thủy sản đầu năm. Ảnh Minh Hoàng
Thời quan qua, chính quyền và người dân ven biển từng bước chuyển từ nghề cá nhân dân, quản lý bị động sang ứng dụng công nghệ 4.0, chủ động và có trách nhiệm. Đây là cơ hội để ngành chức năng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý nghề cá theo hướng thống nhất chung. Bởi, Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã được ký kết tạo cú huých lớn để ngành thủy sản trong nước và tỉnh bứt phá. Thủy sản cả nước và Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu đến thị trường các nước lớn.  
 
Sắp tới, tỉnh cũng tập trung đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo trú tàu cá đáp ứng các tiêu chí là cảng cá loại II và có ít nhất một cảng cá cấp vùng. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cảng cá, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, để thu hút tàu cá trong và ngoài tỉnh cập cảng.
 
Những thành tựu và cơ hội trên đã, đang tạo động lực để ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản Quảng Ngãi tiếp tục chuyển mình. Năm 2020, ngành nông nghiệp tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 3,35%; sản lượng lương thực gần 498 nghìn tấn; trồng rừng tập trung trên 16,6 nghìn hécta; tỷ lệ bò lai đạt 71%; tỷ lệ che phủ rừng trên 52%; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 93% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh... Qua đó, đóng góp tích cực vào sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong những năm đến.      
 
NGỌC THẢO
 
 
 

.