TRẦN NGỌC CĂNG –
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
(Báo Quảng Ngãi)- Mục tiêu năm 2020 của tỉnh được xác định là: “Đoàn kết, tăng tốc, nỗ lực thực hiện thắng lợi toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chào mừng đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, nên nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề. Tỉnh sẽ thực hiện đồng thời hai trọng trách, đó là: Hoàn thành thắng lợi năm cuối cùng của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
TIN LIÊN QUAN |
---|
KẾT QUẢ KHÁ TOÀN DIỆN
Năm 2019, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng phấn đấu của các ngành, các cấp, toàn quân, toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả khá toàn diện. Tổng sản phẩm (GRDP) ước đạt 55.102 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 6,7%. Thu ngân sách đạt 20.641 tỷ đồng, đạt 102,5% dự toán. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 67,4 triệu đồng/người, tương đương 2.868 USD/người, vượt kế hoạch (2.682 USD). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 750 triệu USD, tăng 26,8% so với năm 2018, vượt 34% kế hoạch năm.
Có 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới (kế hoạch 18 xã); lũy kế đến nay, tỉnh có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch Trung ương giao đến 2020; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng thăm gia đình chính sách trên địa bàn TP.Quảng Ngãi. Ảnh: P.D |
Công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội được quan tâm triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; giáo dục và đào tạo tiếp tục cải thiện chất lượng dạy và học. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm có chuyển biến tích cực. Các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được đẩy mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 7,79%, giảm 1,6%; trong đó, miền núi còn 31,5%, giảm 5,48% so với cuối năm 2018.
CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ
Năm 2019, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện đáng kể; công tác xúc tiến đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp được tăng cường, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.
Quảng Ngãi có những điểm sáng về chỉ số năng lực cạnh tranh, thu hút được các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn FLC, ExxonMobil, Công ty TNHH Hóa dầu Hanwha Total (Hàn Quốc), Công ty Dae Young A&C (Hàn Quốc), Công ty Mahang (Singapore), Dự án Amazon Tan - My Resort...
Để đạt được kết quả trên, Quảng Ngãi đã tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1.1.2019 và số 35/NQ-CP ngày 16.5.2016 của Chính phủ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị; giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thông qua chương trình “Cà phê doanh nhân và Hỗ trợ khởi nghiệp”; đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian và đẩy nhanh công tác xử lý thủ tục hành chính. Tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019, với chủ đề “Quảng Ngãi - đồng hành cùng doanh nghiệp” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và hơn 500 doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Năm 2019, tỉnh cấp phép mới cho 3 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 29,5 triệu USD; vốn thực hiện ước đạt 108 triệu USD, lũy kế đến ngày 31.10.2019, có 62 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 1.799,13 triệu USD; trong đó 33/62 dự án đã đi vào hoạt động, 24 dự án đang triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư.
Về đầu tư trong nước, có 108 dự án được cấp phép đầu tư, với tổng vốn đăng ký 21.223 tỷ đồng; vốn thực hiện ước đạt 50.000 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 31.10.2019, toàn tỉnh có 612 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 257.169 tỷ đồng; có 280 dự án đang hoạt động, vốn thực hiện ước đạt 176.728 tỷ đồng, chiếm khoảng 68,7%/tổng vốn đăng ký.
Quảng Ngãi đã và đang xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ và hành động. Trong đó, tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn... |
ĐỒNG HÀNH CÙNG DOANH NGHIỆP
Với mục tiêu sớm đưa Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, thời gian tới, định hướng của tỉnh là tập trung thu hút các dự án trong các lĩnh vực: Công nghiệp phụ trợ, công nghiệp hóa dầu, hóa chất, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, du lịch dịch vụ... Hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu và kiên quyết từ chối các dự án tác động xấu đến môi trường. Tỉnh cam kết luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh.
Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, kết cấu hạ tầng, thủ tục hành chính, hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động; xử lý các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng; bảo đảm an ninh trật tự; nhất quán trong chính sách đầu tư. Tỉnh sẽ thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm đầu mối, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhằm loại bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp, khó thực hiện để giảm chi phí không chính thức và thời gian cho nhà đầu tư. Xây dựng Quảng Ngãi trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TẠO ĐỘNG LỰC MỚI CHO PHÁT TRIỂN
Năm 2020, Quảng Ngãi sẽ tập trung các nguồn lực để tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, tạo đà cho sự phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội miền núi.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân (thứ 5 từ trái sang) và lãnh đạo tỉnh, TP.Quảng Ngãi dự Lễ khánh thành cầu Thạch Bích vào tháng 6.2019. ẢNH: P. CĂN |
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, hiệu lực quản lý nhà nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 7,5 - 8,5%. Tốc độ tăng GRDP không tính sản phẩm lọc hóa dầu tăng 16 - 18%. GRDP bình quân đầu người đạt 73,3 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.053 USD/người/năm). Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - xây dựng 54 - 55%; dịch vụ 29 - 30%; nông - lâm nghiệp và thủy sản 16 - 17%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 28.000 - 30.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 18.641 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ USD. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,62%, trong đó miền núi giảm 5,89%...
Để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Kết luận số 18-KL/TU ngày 19.4.2016 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 3, khóa XIX về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Tiếp tục huy động các nguồn lực hoàn thiện hạ tầng Khu Kinh tế Dung Quất, các khu, cụm công nghiệp, nhất là nguồn lực của các nhà đầu tư, kinh doanh hạ tầng. Tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất; Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi... Tích cực phối hợp các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Quảng Nam và nhà đầu tư thực hiện dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất...
Cầu cửa Đại sắp hợp long. Ảnh: Bùi Thanh Trung |
Nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch biển và các di tích lịch sử văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Thực hiện hiệu quả Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chú trọng thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Có biện pháp tích tụ ruộng đất, trước hết là dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn; ứng dụng cơ giới hoá, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Triển khai xây dựng có hiệu quả các vùng chuyên canh tại 6 huyện miền núi. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; kịp thời hỗ trợ xi măng cho các xã xây dựng đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ 100% xi măng của UBND tỉnh. Phấn đấu năm 2020, hoàn thành 18 xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông. Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục.
Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế dự phòng và y tế cơ sở; chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; phấn đấu 90% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Tăng cường đầu tư cơ sở về vật chất, trang thiết bị, đào tạo cán bộ tại tất cả các tuyến. Tiếp tục triển khai Đề án về xã hội hoá y tế; kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa ngoài công lập. Khuyến khích các cơ sở y tế công lập liên kết với các cá nhân, doanh nghiệp, để đầu tư các trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, phòng bệnh cho nhân dân. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động hành nghề y dược tư nhân.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo..../.