(Baoquangngai.vn)- Những ngày cuối năm chộn rộn, đâu đó trên những cung đường miền núi, nhiều người vẫn cần mẫn mưu sinh, mang thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt đến cho bà con. Ở đó, những nơi khó khăn, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang đợi Tết...
Khởi hành từ 3 giờ sáng từ nhà ra chợ Tịnh Giang (huyện Sơn Tịnh) để lấy sỉ thực phẩm. Đến chạng vạng sáng sớm, hai chiếc xe máy cà tàng, với những giỏ hàng cồng kềnh chở đằng sau của chị Nguyễn Thị Thu Huyền, 38 tuổi, cùng chồng là anh Lê Minh Nhật, 35 tuổi đã có mặt ở huyện Sơn Tây, mang hàng hóa đến cho đồng bào Cadong.
Họ đã cùng nhau mưu sinh với nghề này trong hàng chục năm qua, từ cái thuở mới quen nhau, rồi cưới nhau về, đến khi các con đã dần lớn. Bất kể ngày nắng hay mưa, Tết nhứt hay ngày thường, ngày nào anh chị đều đặn vượt qua cung đường cheo leo, “thồ hàng” lên bán khắp nơi ở các huyện Sơn Hà, Sơn Tây.
Thời điểm này, những ngày cận Tết, công việc của anh chị càng tất bật hơn, đi sớm và về khuya. Vì thế, trên chiếc xe, bao giờ cũng gắn thêm đèn tự chế cho đủ ánh sáng soi đường.
“Ngày Tết, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của bà con gấp đôi ngày thường. Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với Tết truyền thống của dân tộc mình, bà con còn hòa chung ăn Tết cổ truyền với người miền xuôi, nên nhu cầu sắm sửa, tiêu thụ hàng hóa cao hơn. Ngoài rau cá, thịt, họ còn sắm thêm bánh mứt truyền thống, hạt dưa...”, chị Huyền cho hay.
Chị Huyền mang hàng thực phẩm lên cho bà con vùng cao dịp cận Tết. |
Khác với một số ngành nghề lao động khác, cứ đến tầm 25 Tết là tạm ngưng. Còn với anh chị, từ 20 trở đi đến tận chiều 30 Tết bước vào cao điểm để người dân mua rau, thịt, cá cúng kiếng cuối năm và dự trữ đến 5-7 ngày sau Tết.
“Ngày thường, một mình kiếm được 300 nghìn đồng thì ngày Tết thậm chí là gấp đôi”, chị Huyền vui mừng nói.
Giá bán các mặt hàng ở chợ di động rau, củ quả, thịt có “nhỉnh” hơn so với đồng bằng vài nghìn vì phần tiền lời đó tính cho ngày công lao động, chi phí xăng xe qua lại. Tuy nhiên, những người mang “chợ di động” từ phố lên núi quả như anh chị quả quyết giữ nguyên giá cả ngày Tết giống như ngày thường, chỉ khác là bán với số lượng nhiều hơn.
Đi sớm về khuya nên chiếc đèn tự chế trên xe máy luôn là người bạn đồng hành của chị. |
Với những người dân vùng cao quanh năm gắn bó với nương rẫy thì những giỏ hàng của anh chị là nguồn sống hằng ngày cũng như dịp Tết bởi đường xa, cuối năm bận rộn và phương tiện đi lại rất khó khăn.
“Bây giờ đường sá đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, do khoảng cách và cuộc sống của bà con cũng còn khó khăn, vất vả nên hàng hóa cũng đa phần nhờ bà con dưới xuôi gửi lên hết, nhất là những mặt hàng tươi sống”, bà Đinh Thị Long, thôn Huy Măng, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây bộc bạch.
Cùng với các mặt hàng thực phẩm thì cuối năm nhu cầu sắm sửa, trang hoàng nhà cửa cũng được người dân vùng cao quan tâm. Ông Trần Quang Khải, 52 tuổi, quê ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức là người có 15 năm mang mùng mềnh, rèm cửa, nệm và các vật dụng sinh hoạt lên miền núi bán cho bà con.
Ông Khải mang nệm lên bán cho bà con. |
Cuối năm đi lại khó khăn, xe cộ đông đúc, nguy hiểm. Biết là vất vả nhưng vì yêu quý tấm lòng chất phác, thật thà của đồng bào và cũng vì đã quen với cung đường rừng sương giăng mỗi sớm chiều nên ông vẫn cố gắng.
“Chỉ ở nhà vài ba hôm ở nhà lại phải tất tả mua sắm hàng hóa để lên với bà con, ở đó có mọi người đang chờ và Tết sắp đến. Họ đợi hàng hóa để lo Tết. Thấy nhiều người ở quê cũng tất bật chở hàng lên non, mình cũng phải đi. Mình đi để giữ uy tín, qua năm có mối mà bán nữa”, ông Khải nói.
Trong không gian trùng điệp giữa đại ngàn, hình ảnh “chợ di động” càng tô đậm thêm không khí chộn rộn sắc xuân. Công việc phục vụ hàng Tết khá vất vả nhưng ai cũng vui vì bán nhiều hàng thì có thêm đồng ra đồng vào để về lo Tết cho gia đình. Với những gia đình như anh Khải thì còn phải lo cho con cái vào trường sau Tết.
Họ nhẫn nại vượt qua hàng trăm cây số quanh các con đường rừng mỗi ngày để mang hàng hóa từ miền xuôi lên với đồng bào vùng cao, rồi thu mua các vật phẩm, sản vật đặc sản từ miền núi đưa về đồng bằng tiêu thụ dịp Tết.
Bài, ảnh: Thiên Hậu