(Báo Quảng Ngãi)- Đó là, việc phát triển sản xuất còn bị động, cơ chế hỗ trợ liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo và lúng túng...
Năm 2019, toàn tỉnh gieo trồng trên 84.000ha cây lương thực; hơn 14.300ha rau màu các loại; trên 26.000ha cây công nghiệp hằng năm khác. Riêng cây lúa đã gieo sạ gần 73.800ha, năng suất bình quân đạt 58,6 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 432,6 nghìn tấn.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã sản xuất và cung ứng ra thị trường trên 80 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm, giảm 318 tấn so với năm 2018... Nguyên nhân là do gần 33 nghìn con heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi (ASF), phải tiêu hủy; gần 27,9 nghìn con gia cầm bị chết. Khai thác hải sản đạt trên 257 nghìn tấn, tăng 7,9% so với năm 2018; sản lượng thủy sản nuôi đạt trên 7.400 tấn, tăng 188 tấn so với năm 2018.
Nuôi trồng thủy sản trái quy hoạch là một trong những bất cập trong công tác quản lý của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương. |
Tuy giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp năm 2019 đạt gần 16 nghìn tỷ đồng, tăng so với năm 2018, nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa cao. “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và làm theo kiểu phong trào. Nông dân vẫn còn lạm dụng phân, thuốc hóa học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và chất lượng sản phẩm. Các cánh đồng lớn chỉ tập trung cho cây lúa, mà “quên” các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Nguyễn Quang Trung bày tỏ.
Ngoài ra, công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn còn bất cập. Một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Theo quy định, việc lựa chọn địa điểm chôn lấp phải thông qua ý kiến và được sự đồng thuận của người dân trong khu vực; đồng thời, hố chôn lấp bắt buộc phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nhằm tránh dịch lây lan và gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, một số địa phương lại tổ chức chôn lấp một lượng lớn heo bệnh ở gần khu dân cư, khiến người dân bức xúc.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, tồn tại mang tính “trầm kha” của ngành nông nghiệp là phát triển sản xuất chưa gắn với liên kết sản phẩm theo chuỗi giá trị. Theo Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT Phạm Văn Thi, việc thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chỉ ưu tiên cho lĩnh vực trồng trọt, quy định hỗ trợ tập trung vào khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chưa tập trung vào các khâu thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo, nên DN chưa mạnh dạn tham gia cùng với địa phương để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất theo quy mô cánh đồng mẫu lớn.
Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho biết: Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 ở tỉnh ta còn bị động, chịu tác động rất lớn của thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường; trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp hạn chế. Vì vậy, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa thiếu vừa yếu, nên DN chỉ tập trung cung ứng dịch vụ, chưa mạnh dạn đầu tư liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ.
Bài, ảnh: MỸ HOA