Mì vừa xuống giống vụ mới đã nhiễm bệnh khảm lá

07:12, 14/12/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Thiếu giống mì kháng bệnh, nông dân phải lấy cây mì chưa có biểu hiện nhiễm bệnh virus khảm lá làm hom giống cho vụ mới. Nhiều diện tích vừa xuống giống 1 tháng đã tái nhiễm bệnh trở lại.
Mì non đã phát bệnh

Vụ mì vừa khép lại, nông dân xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa “nếm mùi” thua lỗ vì mì bị bệnh khảm lá làm ảnh hưởng nặng nề đến năng suất. Trên những diện tích nhiễm bệnh, bà con đã thu gom những cây bị bệnh đốt để tiêu diệt mầm bệnh.

Tuy nhiên, vì thiếu giống cho vụ mới nên hầu hết nông dân phải sử dụng những cây chưa có biểu hiện nhiễm bệnh làm hom giống cho vụ mới. Nhiều diện tích vừa xuống giống đã bị nhiễm bệnh trở lại.
 
Những ngày này, chị Võ Thị Ngọc Bảnh, ở thôn 3 xã Nghĩa Lâm sầu não vì 2 sào mì vừa xuống giống hơn 1 tháng đã phát bệnh. Cả ruộng mì non mởn lá đã ngã vàng, cong queo, nhăn nhúm.
 
Mì non đã tái nhiễm bệnh.
Mì non ở xã Nghĩa Lâm đã tái nhiễm bệnh virus khảm lá mì.

“Đã nghe xã khuyến cáo không dùng hom giống cũ trong ruộng mì bị bệnh, nhưng bà con không biết tìm giống sạch ở đâu mà mua. Vụ rồi mì đến giai đoạn tạo củ mới phát bệnh mà năng suất giảm một nửa, nay mì con đã phát bệnh thì chắc chắn còn thê thảm hơn" - chị Bảnh lo lắng nói.

Gia đình ông Lê Tâm ở thôn An Nhơn, xã Nghĩa Thắng cũng đứng ngồi không yên vì 5 sào mì non mới trồng của gia đình không tránh khỏi được bị khảm lá.

Dù sau khi thu hoạch xong vụ trước, ông Tâm đã thu gom, đốt cây mì bị bệnh, rắc vôi khử trùng đất, cày xới phơi đất rất kỹ, nhưng mầm bệnh vẫn lây lan sang vụ mới.

Ông Tân than thở: “Biết chỗ nào bán giống sạch bệnh đâu mà mua? Cứ thế này nó lây lan không chừa chỗ nào, bà con có nước bỏ đất trống vì đất này rất khô, không trồng cây mì thì không biết trồng cây gì”.

Thiếu giống, hầu hết nông dân lấy giống trong diện tích mì bị nhiễm bệnh làm hom giống trồng vụ mới.
Thiếu giống kháng bệnh, bà con lấy hom giống từ ruộng mì nhiễm bệnh xuống giống vụ mới.
 
Nguy cơ bùng phát trở lại

Vụ mì vừa qua, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có hơn 640 ha mì bị nhiễm bệnh virus khảm lá. Diện tích mì bị nhiễm bệnh, không chỉ năng suất sụt giảm mà hàm lượng tinh bột cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Giám đốc Nhà máy Tinh bột mì Quảng Ngãi Lê Văn Tâm cho hay, ở những nơi có diện tích mì bị nhiễm bệnh khảm lá, mọi năm độ bột thường là 28 độ thì nay chỉ còn khoảng 22 độ, vì thế giá mua cũng giảm theo. Nhà máy đang rất lo lắng cho vùng nguyên liệu trước dịch bệnh.

Điều đáng lo ngại hiện nay là thiếu giống sạch bệnh, người dân chủ yếu lấy hom giống từ diện tích mì bị nhiễm bệnh của vụ trước đang khiến bệnh đang lây lan trở lại.

Hiện nay, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) xuất hiện dày đặc trên các ruộng mì non đang nhiễm bệnh. Phát bệnh sớm hơn, nông dân tiếp tục đối mặt với vụ mì thất bát, thậm chí là mất trắng.
 
Nông dân thấp thỏm xuống giống vụ mì mới.
Thấp thỏm xuống giống vụ mì mới.
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Lâm Lê Văn Nhịp, bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh qua vụ mới. Cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để tìm ra giống thuốc đặc trị hoặc giống mì kháng bệnh. Nếu không ngăn chặn kịp thời và triệt để sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, có nguy cơ tàn phá vùng nguyên liệu mì.
 
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh Phạm Bá cho biết, với những vùng mì đã nhiễm bệnh, chi cục khuyến cáo nông dân tuyệt đối không được sử dụng hom mì để trồng lại vì nó mang mầm mống bệnh.Chi cục tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Phòng trừ bệnh khảm lá sắn (mì) từ tỉnh đến huyện.

Huy động từ toàn bộ lực lượng, từ cơ quan chuyên môn đến các hội đoàn thể tuyên truyền hướng dẫn cho bà con nông dân áp dụng các biện phá kỹ thuật một cách hiệu qủa nhất để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh khảm lá gây ra trên cây mì.
Bài, ảnh: C.P

.