Bổ sung nửa triệu tấn thực phẩm, giá lợn vẫn đắt đỏ nhất lịch sử

10:12, 19/12/2019
.
Dù có khoảng 430.000 tấn thực phẩm khác để bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt do Dịch tả lợn châu Phi, thế nhưng những ngày gần đây giá thịt lợn vẫn tăng như vũ bão, đạt mức giá cao nhất trong lịch sử.
 
Mới đây, chia sẻ về nguồn cung thịt lợn những tháng cuối năm trong chuyến đi kiểm tra công tác chăn nuôi và phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo báo cáo của các địa phương gửi về bằng văn bản, đến nay vẫn còn hơn 25 triệu con lợn. Điều này khẳng định rằng không phải còn ít thịt lợn.
 
Dù nguồn cung thịt lợn bị giảm do dịch bệnh (phải tiêu hủy khoảng 6 triệu con lợn), song theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sản lượng các sản phẩm chăn nuôi khác đều tăng mạnh. Ví như thịt gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15% (tăng 145.000 tấn), trứng gia cầm tăng 12% (tăng 1,4 tỷ quả), gia súc lớn tăng 4,2%...
 
Ước tính, lượng thực phẩm tăng so với năm 2018 là trên 430.000 tấn, góp phần duy trì đà tăng trưởng cho ngành và bù đắp một phần thiếu hụt thịt lợn, ông Tiến cho hay.
 
Đề cập tới vấn đề giá thịt lợn những ngày gần đây tăng mạnh và chưa có dấu hiệu ngừng lại, theo ông Tiến, giá thịt lợn trên toàn thế giới tăng chứ không riêng gì Việt Nam. Đặc biệt, ở Trung Quốc giá lợn còn tới mức 150.000-170.000 đồng/kg, có chỗ 300.000 đồng/kg và vừa rồi phải đấu thầu lô dự trữ quốc gia. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi cũng đang diễn biến rất phức tạp ở các nước trong khu vực như Philippines, Indonesia,... Tỷ lệ chết ở những nước này rất cao.
 
“Nói vậy để thấy rằng, giá thịt lợn tăng thì có tăng nhưng so với khu vực và thế giới chúng ta chưa ở mức quá cao”, ông Tiến chia sẻ.
 
Thực tế, theo ghi nhận của PV. VietNamNet, suốt từ đầu tháng 10 tới nay, giá lợn hơi bước vào chu kỳ tăng mạnh, mỗi ngày tăng một giá và hiện nay giá lợn đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.
 
Cụ thể, tại Hưng Yên giá lợn xuất tại chuồng đã tăng lên mức 93.000 đồng/kg, thậm chí có những trang trại xuất bán với giá 96.000 đồng/kg. Ở Thái Bình giá cũng vọt tăng lên mức 92.000-95.000 đồng/kg tùy loại.
 
Trong khi đó, tại khu vực miền Trung, miền Nam và các tỉnh Tây Nguyên, sau một thời gian dài có giá bán thấp hơn nhiều giá lợn hơi tại các tỉnh phía Bắc thì những ngày gần đây giá cũng tăng mạnh, lên mức 90.000-94.000 đồng/kg.
 
Tại chợ, siêu thị hay các cửa hàng thực phẩm, dù thịt lợn đang có phần ế ẩm do giá cao, dân giảm ăn nhưng giá thịt lợn các loại vẫn liên tục tăng. Trong đó, các loại thịt ba chỉ, mông sấn, chân giò rút xương giá đã tăng lên mức 170.000-200.000 đồng/kg, sườn lợn, sườn non giá tăng lên mức 230.000-250.000 đồng/kg tùy loại.
 
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, từ tháng 6 năm nay, giá mặt hàng thịt lợn có xu hướng tăng dần, tăng mạnh nhất từ cuối tháng 10 đến nay (tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với đầu năm 2019).
 
Giá các sản phẩm thịt lợn đang ở mức rất cao. Cụ thể, lợn hơi xuất chuồng hiện lên tới 80.000-90.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với tuần trước; giá thịt lợn thành phẩm 160.000-180.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12/2019.
 
Bộ này cũng cho biết, các tình báo cáo về tình hình chăn nuôi lợn cho thấy đàn lợn giảm mạnh. Như Đồng Nai đàn lợn giảm tới 50%, Hà Nam giảm 20% tổng đàn; Hà Nội dự kiến thiếu hụt nguồn cung khoảng 3.500 tấn.
 
Trước đó, Hưng Yên cũng cho biết, dịch tả lợn châu Phi khiến số lượng lợn tiêu hủy lên tới 35% tổng đàn lợn của tỉnh.
 
Trước tình hình giá lợn tăng mạnh, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019
 
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ. Đồng thời, phê bình và yêu cầu Bộ này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Bộ NN-PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
 
Châu Giang/VietNamNet

.