(Báo Quảng Ngãi)- Do có nhiều tàu cá đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 sản xuất không hiệu quả, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương ven biển tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho ngư dân.
Nhiều tháng nay, 10/11 chiếc tàu vỏ thép của ngư dân trong tỉnh đóng mới theo Nghị định 67 thường xuyên nằm bờ, vì khai thác kém hiệu quả. “Ngoài một số nguyên nhân về sản lượng hải sản giảm, chi phí sản xuất tăng, tàu thường xuyên hư hỏng, thì tàu vỏ thép hành nghề lưới rê hỗn hợp kém hiệu quả là do ngư lưới cụ cồng kềnh”, ngư dân Phạm Trí Thức, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) cho biết.
|
Làm ăn kém hiệu quả, nên tàu vỏ thép nằm bờ đợi cơ chế chuyển nhượng tàu của Bộ Tài chính. |
Theo ông Thức, do dàn lưới quá dài (gần 20km), lại nặng, nên ngư dân khó xoay xở trong việc quăng, kéo lưới. Bên cạnh đó, tàu nước ngoài thường xuyên cản phá ở ngư trường Hoàng Sa, nên nhiều khi ngư dân không kịp thu lưới, dễ bị thiệt hại. Một số ngư dân đã chuyển từ nghề lưới rê hỗn hợp sang lưới chụp, nhưng vẫn không khả quan.
Không chỉ 10 tàu vỏ sắt nằm bờ, mà hàng chục tàu vỏ gỗ đóng mới theo Nghị định 67 cũng rơi vào cảnh “thu không đủ chi”. Vì vậy, đến thời điểm này, nợ xấu của “tàu 67” đã trên 105 tỷ đồng, chiếm 30% tổng dư nợ. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo những địa phương ven biển thành lập tổ công tác hỗ trợ các ngân hàng thương mại thu hồi nợ của ngư dân có “tàu 67”.
“Các ngân hàng thương mại có thể khởi kiện ngư dân để thu hồi nợ, nhưng phải cẩn trọng, tuyệt đối không được làm tràn lan. Việc khởi kiện chỉ áp dụng với những ngư dân làm ăn hiệu quả, nhưng cố tình chây ì, không trả nợ. Còn với những trường hợp ngư dân có thiện chí, trách nhiệm và tích cực sản xuất, nhưng thật sự chưa có khả năng trả nợ, thì cần tạo điều kiện để ngư dân trả dần”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
NGUYỄN TĂNG BÍNH
|
Ngoài ra, các ngân hàng thương mại đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương khởi kiện, để thu hồi nợ “tàu 67” đối với những chủ tàu chây ì không trả nợ, dù sản xuất đạt hiệu quả; còn với các “tàu 67” sản xuất không hiệu quả, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương có cơ chế cho phép ngư dân chuyển nhượng lại cho người có nhu cầu và năng lực về tài chính, cũng như khả năng đánh bắt.
Được biết, sau khi Nghị định 17 thay thế Nghị định 67, một số ngư dân có nhu cầu đã nhờ Chi cục Thủy sản tỉnh giới thiệu những chiếc “tàu 67” sản xuất kém hiệu quả, để mua lại. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, khi mua lại “tàu 67”, chủ tàu mới phải “gánh” luôn cả khoản nợ trước đó của chủ tàu cũ. “Dù việc chuyển nhượng sẽ giúp “tàu 67” có cơ hội phát huy hiệu quả. Song, để tránh những xung đột trách nhiệm nếu không may tàu bị sự cố, thì phải đợi Bộ Tài chính xem xét thông qua cơ chế hỗ trợ lãi suất về vốn đối với chủ tàu mới khi nhận chuyển nhượng lại tàu cũ”, Phó Chi cục phụ trách Chi cục Thủy sản tỉnh Phùng Đình Toàn cho biết.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ Tài chính về việc chuyển nhượng, thì một số ngư dân muốn được cho thuê “tàu 67”. “Cho thuê tàu, gia đình có thêm thu nhập để xoay xở. Hơn nữa, chiếc tàu vươn khơi hoạt động cũng sẽ hạn chế hư hỏng, vì được duy tu bảo dưỡng”, ngư dân Võ Văn Hân, xã Bình Châu (Bình Sơn) bộc bạch. Vì vậy, ngư dân mong các ngành chức năng hỗ trợ thực hiện các thủ tục và giám sát việc cho thuê, đảm bảo cơ sở pháp lý, góp phần phát huy hiệu quả “tàu 67”.
Bài, ảnh: THANH PHONG