(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2019, kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi tiếp tục đạt được những kết quả nhất định, hoàn thành 15/18 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập; trong đó có 3 chỉ tiêu: Cơ cấu kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn và tỷ lệ che phủ rừng chưa đạt kế hoạch đề ra.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng...
Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 55.102 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2018 và đạt kế hoạch đề ra. GRDP bình quân đầu người đạt 67,4 triệu đồng/người, tương đương 2.868 USD/người. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 126.469 tỷ đồng, tăng 8,82%, vượt 3,2% so với kế hoạch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 56 nghìn tỷ đồng, tăng 9,76%.
Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 750 triệu USD, tăng 26,8%, vượt 34% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 860 triệu USD, giảm 18,5%. Giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6%.
Năm 2019, do giá dầu thô giảm nên hụt thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 3.430 tỷ đồng. |
Đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 80 xã và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không còn xã dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 15 tiêu chí/xã; có 3 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Ngoài ra, trong năm 2019, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng 40.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề so với tổng số lao động ước đạt 53%, tăng 2%. Tổng lượt khách đến tham quan, du lịch đạt 1,14 triệu lượt người, tăng 14%; doanh thu đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 16%...
“Năm 2020, tỉnh phải tập trung các nguồn lực để tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất 3 nhiệm vụ đột phá, 3 nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, tạo đà cho sự phát triển trong giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Triển khai có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; các chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế - xã hội miền núi. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.
Chủ tịch UBND tỉnh
TRẦN NGỌC CĂNG
|
... Nhưng vẫn còn nhiều nỗi lo
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thị Mỹ Ái cho biết: Tốc độ tăng GRDP của tỉnh năm 2019 đạt kế hoạch năm. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 18.496 tỷ đồng, bằng 92% so với năm 2018 và chỉ đạt 92,5% dự toán. Trong đó, thu nội địa giảm so với dự toán HĐND tỉnh giao là 1.504 tỷ đồng, nếu loại trừ tăng thu tiền sử dụng đất 1.822 tỷ đồng và xổ số kiến thiết 118 tỷ đồng, thì thu nội địa hụt thu 3.548,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là hụt thu từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, khoảng 3.430 tỷ đồng. Bởi giá mua dầu thô bình quân 67 USD/thùng (giảm 3 USD/thùng so với giá dự toán); giá bán sản phẩm bình quân 15,7 triệu đồng/tấn, giảm 8%; tỷ trọng dầu thô mỏ Bạch Hổ/tổng dầu thô đầu vào khoảng 30%, thấp hơn 18% dự toán giao.
Về cơ cấu kinh tế, đến nay ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,64% (kế hoạch 52 - 53%); dịch vụ 29,17% (kế hoạch 30 - 31%); nông, lâm nghiệp và thủy sản 17,19% (kế hoạch 16 - 17%). Như vậy, chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2019 không đạt kế hoạch đề ra.
Một nỗi lo nữa là, sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu ổn định, do tác động của thời tiết và giá cả thị trường, đặc biệt trong năm nay xảy ra dịch tả heo Châu Phi làm cho đàn heo giảm mạnh. Nắng nóng kéo dài nên cháy rừng liên tiếp xảy ra (66 vụ cháy rừng, thiệt hại 248,7ha, tăng 63 vụ và 243,3ha bị thiệt hại). Độ che phủ rừng ước đạt 51,14%, tăng 0,51% so với năm 2018, không đạt kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, việc liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị hiệu quả chưa cao, dẫn đến thị trường tiêu thụ sản phẩm thiếu ổn định. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, khoáng sản.
Vấn đề vệ sinh môi trường liên quan đến vận chuyển, xử lý rác thải ở một số địa phương chưa được giải quyết dứt điểm; tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm.
Năng lực và nguồn lực của một số nhà đầu tư thấp, kéo dài thời gian triển khai dự án. Chất lượng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển hiện nay...
Bài, ảnh: Phạm Danh