(Báo Quảng Ngãi) - Thời gian gần đây, nhiều ngư dân ở xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) bội thu nhờ nghề lưới chụp. Đây là nghề khai thác thủy sản mới, được ngư dân nơi đây học hỏi từ ngư dân các tỉnh phía Nam và mạnh dạn áp dụng vào khai thác hải sản, nhất là trong đánh bắt mực.
TIN LIÊN QUAN
Vừa trở về sau phiên biển chỉ kéo dài vỏn vẹn... 14 giờ đồng hồ, ngư dân Trần Ngọc Đông, chủ tàu QNg 11038, ở thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) vui mừng chia sẻ: “Ra khơi 2 giờ chiều hôm trước, đến 4 giờ sáng hôm nay thì tàu cập bến và bán được hơn một tạ mực ống.
Với giá bán ngay tại thuyền từ 150 – 220 nghìn đồng/kg, tùy kích thước mực, có lúc giá mực lên đến gần 300 nghìn đồng/kg, nên ngư dân chúng tôi sống khỏe với nghề này”.
Là một trong số ít ngư dân tiên phong hành nghề lưới chụp tại Tịnh Kỳ, sau 8 năm mạnh dạn ứng dụng phương thức đánh bắt mới, chiếc tàu công suất 300CV của ngư dân Trần Ngọc Đông luôn bội thu trong mỗi chuyến biển và mang về cho ông cùng các bạn tàu tổng thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi tháng.
Do hiệu quả đánh bắt cao, nên trong khi nhiều chủ tàu khác phải “đau đầu” tìm kiếm lao động đi biển, thì nghề lưới chụp lại đang rất thu hút lao động.
Những chiếc tàu lưới chụp đang nối đuôi nhau cập cảng Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). |
“Phí tổn cho mỗi chuyến biển cũng chỉ dao động khoảng 2 - 3 triệu đồng. Trong khi đó, hiệu quả đánh bắt của nghề này lại cao, giá mực đánh bắt bằng lưới chụp bán ra cũng khá. Hệ thống lưới chụp trên tàu được vận hành bằng máy móc, nên ngư dân không phải mất nhiều sức lực. Vì vậy, tôi chuyển từ đi bạn trên các tàu lưới vây, sang đi bạn cho tàu lưới chụp để vừa được đi phiên biển ngắn ngày, vừa có thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng”, ngư dân Huỳnh Hiếu vui mừng chia sẻ.
Từ hiệu quả mà nghề lưới chụp mang lại, ngày càng có nhiều ngư dân xã Tịnh Kỳ mạnh dạn học hỏi và chuyển đổi sang nghề này.
“Tôi đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, giàn chụp và lưới để làm nghề. Sau 2 năm chuyển đổi, đến nay, tôi cùng các anh em trên tàu đã thành thạo kỹ thuật đánh bắt bằng lưới chụp. Bình quân mỗi đêm chúng tôi đánh bắt được từ 10 - 15 mẻ lưới, thu về từ 80 kg mực cùng nhiều loại cá như cá trác, cá căn...”, ngư dân Trần Ngọc Tâm, ở xã Tịnh Kỳ vừa chuyển từ nghề câu sang nghề lưới chụp chia sẻ.
“Từ một vài chiếc ban đầu, đến nay, ngư dân trên địa bàn xã đã có hơn 30 tàu hành nghề lưới chụp. Đây là nghề có chi phí đầu tư không lớn, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên hiện được nhiều ngư dân lựa chọn”, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tịnh Kỳ Phan Hữu Nhất cho biết.
Được thị trường..."săn đón" Theo ngư dân Trần Ngọc Tâm, lưới chụp là nghề dùng ánh sáng để thu hút mực nổi lên tầng nước mặt, sau đó mới dùng lưới đánh bắt. Mực vừa vớt lên khỏi mặt nước, được chúng tôi bảo quản bằng cách không cho dính nước ngọt, không dính đá lạnh và giữ cho con mực vẫn sống cho đến khi vào bờ. Nhờ đó, mực đánh bắt bằng lưới chụp không chỉ được các thương lái trong tỉnh thu mua tại tàu, mà các thương lái ở Quảng Nam, Đà Nẵng cũng đặt hàng. Tàu đánh bắt được bao nhiêu, họ đặt hết bấy nhiêu. Giá bán cũng cao hơn nhiều so với các loại mực đánh bắt bằng các nghề khác. |
Bài, ảnh: Ý THU