Đổi thay ở miền ngược

04:10, 24/10/2019
.
(Baoquangngai.vn)- Đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Minh Long, Trà Bồng giờ đã đổi thay nhiều, họ đã tiếp cận được nhiều mô hình kinh tế để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Họ không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
TIN LIÊN QUAN

Gặp vợ chồng chị Đinh Thị Bim, thôn Thượng Đố, xã Thanh An (Minh Long) chẳng ai thể ngờ gia đình họ thuộc diện cận nghèo. Bởi trong nhà, ngoài vườn, mọi thứ đều được xây dựng khang trang, sạch sẽ. Có được kết quả như vậy cũng nhờ vợ chồng chị chăm chỉ làm ăn, tích góp và đặc biệt hơn là biết tận dụng những nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Năm 2016, vợ chồng chị được Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay 15 triệu đồng từ chương trình “Hỗ trợ vay vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn theo Quyết định 775”.
 
 
Từ nguồn vốn vay, chị Đinh Thị Bim, thôn Thượng Đố, xã Thanh An (Minh Long) đã phát triển kinh tế nhờ trồng trọt, chăn nuôi.
Từ nguồn vốn vay, chị Đinh Thị Bim, thôn Thượng Đố, xã Thanh An (Minh Long) đã phát triển kinh tế nhờ trồng trọt, chăn nuôi.

Từ số tiền đó, vợ chồng chị đã mua một con trâu giống và trồng 0,5ha keo để thoát nghèo. Tính đến nay, trâu đã sinh sản, keo cũng đã sắp đến kỳ thu hoạch. Chị Bim, phấn khởi: “Nếu mình không quyết tâm đầu tư vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi thì khó mà thoát nghèo được. Từ số tiền vay được, vợ chồng quyết định đối ứng thêm một ít để có lợi nhuận sau này. Cái đầu nghĩ, cái tay làm, nên giờ thấy cũng khỏe rồi. Mình ý thức một chút, chịu khó một chút thì cái nghèo, cái khổ cũng qua thôi”.

Vợ chồng chị Hồ Thị Lệ, thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng) cũng vậy. Mới đây, chị nuôi một con bò giống, nhưng chẳng may bị mất trộm. Đang lúc khốn khó, chị được Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay 50 triệu đồng. Thế là vợ chồng chị quyết tâm mở rộng diện tích đất và trồng hơn 4ha keo, với số tiền đầu tư hơn 30 triệu đồng. Số còn lại, chị đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, rồi mua thêm bò giống về nuôi. Chị Lệ, cho biết: “Thua keo này mình bày keo khác, chứ không thể chịu cảnh đói nghèo mãi được. Cũng may nhà nước quan tâm, cho vay số tiền lớn như vậy, gia đình mới có tiền trồng keo, mua bò”.

“Những năm gần đây, ý thức của bà con đã thay đổi rất tích cực. Đặc biệt là trong việc triển khai, học hỏi các mô hình kinh tế mới. Việc ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước đã giảm hẳn. Người dân ở Trà Sơn đã biết “tự thân vận động” để tự xóa đói, giảm nghèo”.

Chủ tịch UBND xã Trà Sơn ĐINH VĂN PHONG


Trên địa bàn huyện Minh Long, Trà Bồng, các nguồn vốn vay ưu đãi “đặc thù” cho người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đều được bà con tiếp cận. Song, các nguồn vốn này có mức vay hạn chế, nên chưa giải quyết được hết nhu cầu của bà con đang cần. Mặt khác, đời sống người dân ngày càng phát triển, nhận thức cũng như nhu cầu về phát triển kinh tế, tham gia xây dựng các mô hình nông trại, gia trại là điều người dân đang cần. Do đó, việc trợ lực của các cấp, các ngành chức năng để tạo sự đổi thay bộ mặt các huyện miền núi là điều đáng được quan tâm.

 

 Chị Hồ Thị Lệ, thôn Trung xã Trà Sơn (Trà Bồng) đang chăm sóc keo vừa được trồng
Chị Hồ Thị Lệ, thôn Trung xã Trà Sơn (Trà Bồng) đang chăm sóc keo vừa được trồng

 

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Trà Bồng Võ Duy Hưng, cho biết: “Hiện nay, các nguồn vốn vay đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn theo các Nghị định 2085, 75...đã được triển khai và giải ngân hơn 1 tỷ đồng. Nguồn vốn này tuy không lớn, thời gian thu hồi vốn không được lâu, bắt buộc các hộ vay phải nghiêm túc thực hiện đúng chủ trương đề ra.

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Minh Long Trần Như Trí, cho biết: “Toàn huyện có gần 98% là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, nhờ các nguồn vốn ưu đã giảm được số hộ nghèo từ 5 – 10% và có rất nhiều hộ thoát nghèo nhờ các chính sách vay vốn này. Tuy nhiên,  để phát triển bền vững, nhà nước cần trợ lực, hỗ trợ hơn nữa để các địa phương và người dân nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo”.
 


Bài, ảnh: HOÀI BIỆT

 

.