Vụ trồng rừng 2019: Còn nhiều khó khăn

02:09, 28/09/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện là thời điểm các địa phương ở miền núi trong tỉnh bước vào vụ trồng rừng mới. So với mọi năm, vụ trồng rừng năm nay bắt đầu muộn hơn, do ảnh hưởng của thời tiết.
TIN LIÊN QUAN

Trồng rừng chậm do thời tiết

Từ cuối tháng 8 đến nay, tranh thủ thời tiết có mưa trên diện rộng, các đơn vị, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh đã tiến hành vụ trồng rừng mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, nên hàng trăm hécta sau khi xuống giống đã bị nắng làm chết khô; trong đó, tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Tơ, với 113ha.
 Các vườn ươm chuẩn bị cây giống bán ra thị trường.
Các vườn ươm chuẩn bị cây giống bán ra thị trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại, mặc dù đã có những cơn mưa lớn, nhưng do nắng hạn quá lâu, mạch nước ngầm bị cạn kiệt, nên các ao, hồ, đập vẫn chưa tích nước được. Vì vậy, so với mọi năm, tiến độ trồng rừng năm nay có phần chậm hơn. Hiện các địa phương đã trồng được 30 - 40%, chủ yếu là diện tích rừng của người dân. Mặt khác, từ đầu năm đến nay, nắng hạn đã làm thiệt hại trên 1.260ha và cháy rừng trên 200ha, thiệt hại trên 73 tỷ đồng.

Để người dân phục hồi sản xuất, đảm bảo tiến độ trồng rừng thay thế, ngành nông nghiệp đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ trên 3,4 tỷ đồng. Theo đó, đối với những diện tích rừng bị thiệt hại gần như hoàn toàn, mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; những diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

Theo kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh sẽ trồng trên 16.600ha rừng, trong đó có 305ha rừng phòng hộ và trên 16.290ha rừng sản xuất. Hiện các địa phương trong tỉnh đã tổ chức xử lý thực bì, chuẩn bị đất sạch để chuẩn bị xuống giống.

Bên cạnh trồng rừng sản xuất, việc trồng rừng phòng hộ cũng gặp nhiều khó khăn, do bị người dân lấn chiếm đất. Ông Nguyễn Đại cho biết: “Hiện tại có khoảng 15.500ha đất rừng phòng hộ bị người dân lấn chiếm, phá bỏ ranh giới. Để đảm bảo diện tích trồng rừng phòng hộ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã làm việc với người dân và chính quyền địa phương, vận động họ sau khi khai thác, cần giao lại đất cho đơn vị chức năng quản lý”.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống

Theo đánh giá của ngành chức năng, năm nay, hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sản xuất lượng cây giống khá lớn, không những đáp ứng đủ nhu cầu của người trồng rừng, mà còn xuất ra các tỉnh khác.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín Phan Sơn cho biết: “Xu hướng trồng rừng từ giống nuôi cấy mô ngày càng tăng. Năm nay, nhu cầu nguồn giống này tăng gấp 3 lần so với mọi năm. Các đơn hàng đều đặt cách đây vài tháng, thì nay mới có giống”.

Tuy nhiên, vì nhu cầu cây giống lớn, nhiều hộ gia đình không đủ điều kiện vẫn tham gia sản xuất, kinh doanh giống và sử dụng nguồn giống không được công nhận, để cung ứng cho người trồng rừng. Một số hộ trồng rừng vì ham rẻ, hoặc điều kiện kinh tế khó khăn, nhất là ở các huyện miền núi, nên mua cây giống trôi nổi, thậm chí tự gieo hạt trồng, ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế trồng rừng sau này.

Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, Sở NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, yêu cầu các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp, thực hiện nghiêm các quy định về quy trình sản xuất giống, đảm bảo chất lượng cây giống, đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân trong tỉnh.

Ngành chức năng cũng khuyến cáo người trồng rừng không nên mua, sử dụng các giống cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ để trồng rừng, nhằm tránh thiệt hại về kinh tế. Đồng thời, động viên chủ rừng tham gia trồng rừng gỗ lớn, rừng FSC, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng.


Bài, ảnh: HỒNG HOA


 

.