TIN LIÊN QUAN |
---|
Khi Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu có hiệu lực sẽ tạo cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) Châu Âu đầu tư tại Quảng Ngãi.
Những dự án tiên phong
Dự án (DA) Nhà máy sản xuất sợi thép và sợi thép bện Bekaert Việt Nam – Dung Quất, của Tập đoàn Bekaert S.A (Bỉ), được cấp phép đầu tư vào KKT Dung Quất cuối năm 2018, có tổng vốn đầu tư 125 triệu USD. Đây là DA FDI đến từ Châu Âu có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện tại. Dự án này sử dụng khoảng 40ha đất tại KCN VSIP Quảng Ngãi, chuyên sản xuất sợi thép bện, sợi tăm thép dùng gia cố trong lốp xe và sợi thép bện cải tiến dùng cho ngành ô tô và các ngành công nghiệp khác.
Lãnh đạo BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đầu tư cho DA Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Dung Quất. |
Trước đó, DA Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp Messer Hải Phòng – Dung Quất, với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer (thuộc Tập đoàn Messer CHLB Đức) đã được cấp phép đầu tư tại KCN phía đông KKT Dung Quất. Sau gần 2 năm đầu tư, nhà máy hiện đang được vận hành chạy thử.
Giai đoạn 2011 - 2013, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chỉ có 3 DA FDI đến từ EU, với vốn đầu tư hơn 63 triệu USD, thì đến nay đã tăng lên 5 DA (đến từ 4 quốc gia là Bỉ, Đức, Anh và Áo), với tổng vốn đầu tư hơn 278 triệu USD. |
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Marc Oliver Wachter cho biết: Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp tại KKT Dung Quất là nhà máy quy mô nhất của Messer tại Đông Nam Á. Theo hợp đồng ký kết với Tập đoàn Hòa Phát, nhà máy sẽ cung cấp cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất 80.000 Nm³/h khí oxy và 160.000 Nm³/h khí nitơ. Ngoài ra, nhà máy còn cung cấp khí dạng lỏng cho các doanh nghiệp khác, như ngành công nghiệp đóng tàu hay ngành tự động hóa.
Rộng cửa đón dòng vốn Châu Âu
Phó trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (BQL) Đàm Minh Lễ cho biết: Cùng với cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang sở hữu những lợi thế riêng, hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế khi triển khai DA tại đây.
Đó là hệ thống cảng biển nước sâu – cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Các bến cảng chuyên dụng gắn với các nhà máy công nghiệp nặng và các cảng tổng hợp đã được khai thác, đáp ứng tàu có trọng tải từ 50.000 - 200.000DWT. Sắp tới, một bến cảng tổng hợp – container hiện đại sẽ được Công ty CP Cảng tổng hợp Hòa Phát triển khai xây dựng.
Bên cạnh đó, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế về quỹ đất phát triển công nghiệp tương đối rộng và cơ sở hạ tầng đang được đầu tư hoàn thiện. Nhất là hạ tầng giao thông kết nối KKT Dung Quất với vùng kinh tế trọng điểm miền Trung như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Cảng hàng không Chu Lai mở rộng (giai đoạn I)... Đặc biệt, KCN VSIP Quảng Ngãi, với quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ, hiện đại cùng các dịch vụ tiện ích đi kèm, là nơi lý tưởng để các nhà đầu tư có thể triển khai ngay DA đầu tư.
Phó Lãnh sự danh dự Vương quốc Tây Ban Nha tại Đà Nẵng, thành viên Hiệp hội DN Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Jose Sanchez Barroso Gonzalez cho biết: Tháng 8.2018, EU và Việt Nam đã thống nhất các văn bản cuối cùng cho các hiệp định thương mại và đầu tư EU - Việt Nam. Khi có hiệu lực, các thỏa thuận sẽ cung cấp cơ hội để tăng cường thương mại và hỗ trợ việc làm và tăng trưởng ở cả hai bên, thông qua việc loại bỏ 99% tất cả các mức thuế quan; giảm các rào cản pháp lý và thủ tục hành chính rườm rà; đảm bảo bảo vệ chỉ dẫn địa lý; mở cửa dịch vụ và thị trường mua sắm công...
“Với Quảng Ngãi, để thu hút nhà đầu tư EU, chúng tôi có ba khuyến nghị là: Minh bạch về giấy phép kinh doanh và sử dụng đất; đơn giản các quy trình thủ tục hành chính; giám sát sự phát triển và tiến triển của các DA đang thực hiện, với mục đích tránh những khó khăn khi bắt đầu hoạt động”, ông Jose Sanchez Barroso Gonzalez cho hay.