TIN LIÊN QUAN |
---|
“Làm mới” nông thôn
Năm 2011, triển khai thực hiện chương trình NTM, số tiêu chí bình quân/xã trong toàn tỉnh chỉ đạt 4 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đời sống của phần lớn người dân nông thôn còn nhiều khó khăn...
Nông dân xã Ba Động (Ba Tơ), xã miền núi đầu tiên của Quảng Ngãi về đích nông thôn mới, đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. ẢNH: PV |
Đến nay, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình NTM gần 15.700 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 751 tỷ đồng và hàng vạn ngày công, hiến hơn 15ha đất... để bê tông và nhựa hóa 1.175km đường trung tâm xã và từ xã đến huyện; kiên cố gần 1.600km kênh mương (đạt 51%); xây mới và nâng cấp 153 trường học các cấp, 358 công trình nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn...
Kinh tế nông nghiệp có sự tăng trưởng ổn định, công nghiệp và dịch vụ nông thôn phát triển nhanh. Một số địa phương đã hình thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Giai đoạn 2015 - 2018, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,5%/năm; dồn điền đổi thửa được gần 6.500ha... Năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 103 cánh đồng lớn trong sản xuất lúa và mía, với tổng diện tích trên 2.000ha, tăng gần 1.614ha so với năm 2015; có 26/54 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đi vào hoạt động...
Không chỉ được bê tông, mà nhiều tuyến đường ở nông thôn còn được "làm đẹp" bởi cỏ xanh và hoa. |
Cuối năm 2015, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 15,19%, trong đó miền núi 46,76%, đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,39%, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 1,3 lần... “Thành quả trên là minh chứng của sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực không ngừng của chính quyền và nhân dân trong tỉnh; khẳng định chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, gắn với lợi ích của nhân dân, làm đổi thay toàn diện đời sống người dân nông thôn”, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho hay.
“Kinh nghiệm xây dựng NTM trong 10 năm qua là những bài học quý, tạo tiền đề để chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng xây dựng và gặt hái nhiều thành quả trên chặng đường xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh NGUYỄN TĂNG BÍNH |
Tiếp tục “vượt khó”
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng thực tế, phong trào xây dựng NTM thực hiện không đều giữa các vùng, địa phương trong tỉnh. Diện mạo nông thôn chỉ chuyển biến rõ rệt ở nhóm các xã được ưu tiên hỗ trợ nguồn lực từ chương trình; kết quả thực hiện chương trình NTM của tỉnh còn thấp (14,15 tiêu chí/xã) so với bình quân chung của cả nước (khoảng 15,26 tiêu chí/xã).
Hơn nữa, nguồn lực của nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương; việc huy động vốn trong dân, trong cộng đồng dân cư và của doanh nghiệp cho xây dựng NTM còn nhiều khó khăn...
Trái cây Nghĩa Hành đang được chính quyền địa phương thực hiện các thủ tục công nhận thương hiệu. |
rong khi đó, mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 98 xã, 5 huyện và TP.Quảng Ngãi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí/xã đạt 16,5; không còn xã dưới 10 tiêu chí và xây dựng 50 khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở các xã đã đạt chuẩn NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...
Để hoàn thành mục tiêu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, các địa phương cần tận dụng tối đa nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững.
“Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành Bộ tiêu chí cho giai đoạn mới để phù hợp với điều kiện thực tế ở từng vùng miền, nhất là khu vực miền núi. Đồng thời, cần có chính sách cụ thể để đẩy mạnh chương trình xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu ở các xã NTM”, ông Dương Văn Tô cho biết.