(Báo Quảng Ngãi)- Nhằm ổn định số lượng, nâng cao chất lượng tàu cá, hướng đến phát triển nghề biển bền vững, nên từ năm 2019, Sở NN&PTNT hạn chế cấp phép đóng mới tàu cá trên địa bàn tỉnh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Cơ sở đóng tàu gặp khó
Toàn tỉnh hiện có 13 cơ sở được cấp phép đủ điều kiện nâng cấp, đóng mới tàu cá. Trung bình mỗi năm, 13 cơ sở này đóng mới khoảng 200 - 300 tàu, với trên 95% là tàu vỏ gỗ. “Trước đây, mỗi năm chúng tôi đóng mới 15 - 20 tàu cá vỏ gỗ, nhưng 5 năm trở lại đây, mỗi năm chỉ đóng 7 - 9 chiếc.
Riêng hai năm 2018, 2019, hợp tác xã chỉ đóng mới vài chiếc tàu vỏ gỗ đăng ký từ trước, còn chủ yếu làm dịch vụ sửa chữa và nâng cấp”, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Phổ Quang (Đức Phổ) Thái Văn Thi cho biết.
Số lượng tàu cá đóng mới giảm mạnh, nên để duy trì hoạt động, Công ty TNHH MTV Minh Quang tập trung làm dịch vụ sửa chữa và nâng cấp. |
Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Minh Quang, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) hiện cũng rơi vào cảnh khó khăn. Trong hai năm 2016 và 2017, Công ty TNHH MTV Minh Quang đóng mới 15 chiếc tàu vỏ gỗ và 1 chiếc tàu vỏ composite đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, ngoài 2 chiếc tàu vỏ composite, công ty không đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ nào, nên gặp rất nhiều khó khăn. “Trong khi tàu composite chưa được nhiều ngư dân lựa chọn, còn tàu vỏ gỗ thì bị hạn chế đóng mới, nên doanh thu của đơn vị giảm mạnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá”, Giám đốc Công ty TNHH MTV Minh Quang Đỗ Thanh Tú cho biết.
Khó cũng phải thực hiện
Đó là khẳng định của Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phùng Đình Toàn. Bởi lẽ, việc hạn chế cấp phép đóng mới tàu cá được thực hiện theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, đã được Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) phê duyệt và UBND tỉnh công bố, nhằm ổn định số lượng và nâng cao chất lượng tàu cá, tiến tới chuyển từ nghề cá nhân dân sang hiện đại.
Theo đó, toàn tỉnh có 4.562 giấy phép khai thác thủy sản trên biển (riêng vùng khơi có 3.338 giấy phép). Tuy nhiên, Sở NN&PTNT chủ động điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ đối với các nghề thân thiện với môi trường (câu, vây, rê, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản).
Riêng hạn ngạch giấy phép của nghề lưới kéo khai thác tại vùng lộng thì dừng đóng mới. Vì vậy, khi có tàu cá bị chìm, xả bản hoặc chủ tàu không hành nghề nữa, Chi cục Thủy sản sẽ xem xét, lựa chọn để cấp phép cho ngư dân khác đóng mới tàu cá theo số hạn ngạch dôi ra. Đối với các tàu cá được phê duyệt theo chính sách Nghị định 67, Nghị định 17, thì vẫn tiếp tục được đóng mới.
"Đối với tàu có chiều dài dưới 15m, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tập hợp danh sách, gửi Bộ NN&PTNT xem xét và có hướng cấp bổ sung hạn ngạch. Trước mắt, Bộ NN&PTNT cho phép Chi cục Thủy sản cấp văn bản chấp thuận cải hoán cho khoảng 40 tàu cá trên địa bàn tỉnh có chiều dài dưới 15m, nhưng công suất trên 90CV đã và đang hoạt động ở vùng khơi”, ông Toàn cho hay.