Ông Hồ Trọng Phương. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
PV: Bộ NN&PTNT vừa chỉ đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển cần bố trí nguồn lực, kinh phí để khắc phục tồn tại và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống IUU. Vậy Quảng Ngãi đã thực hiện chỉ đạo này như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Trọng Phương: Sau khi EC áp dụng “thẻ vàng” IUU, từ tháng 10.2017 đến nay, tỉnh chưa bố trí vốn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền và dịch vụ hạ tầng nghề cá. Trong khi đó, toàn tỉnh có 4 cảng cá và cảng neo trú tàu thuyền gồm: Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) và Mỹ Á, Sa Huỳnh (Đức Phổ) được Bộ NN&PTNT chỉ định thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhưng đều chưa đáp ứng các tiêu chí của cảng cá loại II theo Điều 78 của Luật Thủy sản.
Hạ tầng nghề cá của Quảng Ngãi cần được đầu tư hiện đại để phát huy hết tiềm năng. ẢNH: Thanh Như |
PV: Theo Luật Thủy sản 2017, đến ngày 30.9.2020, nếu 4 cảng cá chỉ định không đáp ứng các tiêu chuẩn của cảng cá loại II, thì sẽ bị đóng cửa. Về vấn đề này, Sở NN&PTNT đã có giải pháp gì?
Ông Hồ Trọng Phương: Hầu hết các cảng cá, cảng neo trú tàu cá của tỉnh mới đầu tư giai đoạn 1, nên chưa đồng bộ, thiếu trang thiết bị để bốc dỡ hàng hóa. Một số cảng chưa có nhà làm việc, diện tích đất không đảm bảo, chưa đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường cũng như phòng, chống cháy, nổ.
Trước khi bị EC áp dụng “thẻ vàng” IUU, Sở NN&PTNT đã báo cáo thực trạng hư hỏng, xuống cấp của các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh; kiến nghị tỉnh, trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất.
Mới đây, Sở NN&PTNT cũng đã tiến hành kiểm tra và đánh giá cụ thể mức độ hư hỏng, cũng như nhu cầu trang thiết bị tại 4 cảng cá, cảng neo trú chỉ định. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đã báo cáo và kiến nghị UBND tỉnh bố trí 41 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp và sửa chữa cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để đảm bảo 4 cảng cá chỉ định không bị đóng cửa sau ngày 30.9.2020, trước mắt, các cấp thẩm quyền cần ghi vốn đầu tư, sửa chữa các hạng mục công trình. Bởi nếu 4 cảng cá chỉ định bị đóng cửa, hệ lụy sẽ vô cùng lớn.
PV: Để hiện đại hóa hạ tầng nghề cá, Sở NN&PTNT có giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hồ Trọng Phương: Hạ tầng nghề cá của tỉnh phát triển chưa tương xứng với năng lực khai thác thủy sản. Quảng Ngãi có số lượng tàu thuyền nhiều, nhưng cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá không đảm bảo; luồng lạch ra, vào thường xuyên bị bồi lấp, nên phần lớn tàu thuyền của tỉnh cập bến và bán cá ở các tỉnh khác, kéo theo dịch vụ hậu cần nghề cá không phát triển. Vì vậy, để nghề cá của tỉnh phát triển bền vững thì cần đầu tư nâng cấp các cảng cá, khu neo trú tàu cá đáp ứng các tiêu chí là cảng cá loại II và có ít nhất một cảng cá cấp vùng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Dịch vụ hậu cần nghề cá tại các cảng cá chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. |
Sở NN&PTNT vừa kiến nghị UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo về IUU, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tăng Bính làm Trưởng ban, nhằm tham mưu, tổng hợp và đề xuất UBND tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm, ưu tiên triển khai thực hiện về chống khai thác IUU; kiến nghị, đề xuất giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các sở, ngành và địa phương vượt quá thẩm quyền... |
MỸ HOA
(thực hiện)