Gia hạn, khoanh nợ cho người chăn nuôi

02:08, 12/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình hình dịch tả heo Châu Phi đang lây lan nhanh trên địa bàn tỉnh, khiến những người vay vốn chăn nuôi rơi vào cảnh nợ nần, trong đó có những hộ nghèo. Vì vậy, người chăn nuôi rất cần chính sách khoanh nợ, gia hạn nợ, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn mới, để chuyển hướng chăn nuôi, giúp họ vượt qua khó khăn.

TIN LIÊN QUAN

Trắng tay

Năm 2018, gia đình bà Thân Thị Kim Sứ, ở thôn Châu Me, xã Đức Phong (Mộ Đức) được địa phương xếp vào diện hộ nghèo của xã. Đầu năm 2019, bà Sứ được Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện Mộ Đức cho vay 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi 5 con heo nái. Những tưởng từ nguồn vốn ưu đãi trên, gia đình bà Sứ sẽ có cơ hội để phát triển kinh tế, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.

Thế nhưng, toàn bộ chi phí đầu tư nuôi heo chưa thu hồi được đã bị mất trắng vì dịch tả heo Châu Phi. Bà Sứ chia sẻ: “Giờ tôi đã có tuổi rồi, sức khỏe giảm sút, đâu thể đi làm thuê để kiếm sống, nên chỉ biết dựa vào chăn nuôi mới mong có thu nhập cải thiện cuộc sống. Ai ngờ gặp phải “hạn” này, khiến cuộc sống thêm khó khăn”.

Thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi khiến gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) rơi vào cảnh nợ nần.
Thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi khiến gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) rơi vào cảnh nợ nần.

Có thâm niên trên 30 năm gắn bó với chăn nuôi heo, nhưng chưa bao giờ gia đình bà Nguyễn Thị Quyên, ở thôn Nam Bình 2, xã Bình Nguyên (Bình Sơn) lại bị thiệt hại nặng như đợt này. Chỉ trong vài ngày, đàn heo gần 300 con của gia đình bà đã bị dịch tả heo Châu Phi “xóa sổ”.

Nhìn đàn heo mấy trăm con bị đưa đi tiêu hủy, bà Quyên xót xa: “Số tiền nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng mấy trăm triệu đồng, không biết lấy đâu ra nguồn để trả”.

Không riêng gia đình bà Sứ, bà Quyên, mà hàng trăm hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với khó khăn, khi “cần câu cơm” không còn nữa.

Cần chính sách hỗ trợ

Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp để khoanh vùng, khống chế các ổ dịch, tránh lây lan sang địa phương khác. Tuy nhiên, hiện dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng lây lan nhanh, nên không thể tái đàn trong thời gian tới. Vì thế, người chăn nuôi heo rất mong ngân hàng, các tổ chức tín dụng có chính sách khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho người vay. Đồng thời, tạo điều kiện để họ có thể tiếp cận nguồn vốn mới, để đầu tư chuyển hướng sang đối tượng vật nuôi khác.

Bà Quyên cho biết: Ở quê mà không chăn nuôi thì biết lấy gì mà sống. Vừa rồi, tôi đầu tư vài trăm con gà, vịt để nuôi. Vì vậy, rất mong ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn mới với lãi suất ưu đãi, để người dân như chúng tôi có cơ hội đầu tư nuôi gà, vịt, bò... tạo dựng lại kinh tế gia đình.

Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Trần Duy Cường cho biết: Thời gian qua, Ngân hàng CSXH đã tạo mọi điều kiện cho người chăn nuôi do bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, cũng như biến động giá cả của thị trường.

Do đó, đối với khách hàng đã vay vốn để đầu tư chăn nuôi heo, nhưng gặp phải dịch tả heo Châu Phi chưa thể trả được nợ, Ngân hàng CSXH sẽ xem xét cho gia hạn nợ theo cơ chế gia hạn nợ thông thường. Riêng đối với trường hợp người chăn nuôi có nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất, đầu tư chăn nuôi mới, Ngân hàng CSXH sẽ kiểm tra và cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Agribank Quảng Ngãi Hà Hoài Nam cho biết: Agribank Quảng Ngãi đã nhận được văn bản chỉ đạo của Agribank Việt Nam về việc theo dõi và báo cáo tình hình thiệt hại do dịch tả heo Châu Phi để gửi trung ương xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong quyền hạn của mình, Agribank Quảng Ngãi vẫn tiến hành giảm lãi, giãn nợ, khoanh nợ, nếu khách hàng gặp khó khăn, nhằm tạo giúp cho người vay có điều kiện làm ăn.


 Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

.