(Baoquangngai.vn)-
Thấy rõ ưu điểm của hệ thống điện mặt trời trên mái nhà, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã chọn lắp đặt. Với cách này, các gia đình vừa sử dụng được nguồn năng lượng sạch, vừa giảm được chi phí về điện trong sinh hoạt hằng ngày.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Giải pháp mới để tiết kiệm chi phí
Gia đình chị Nguyễn Thị Thảo vừa chuyển vào ở khu đô thị VSIP, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) được 2 tháng nay. Khi vừa được bàn giao nhà, chị Thảo cùng chồng quyết định đầu tư để lắp hệ thống điện mặt trời áp mái. Chi phí đầu tư tất cả hệ thống tấm pin, đầu nối, ắc quy và cả khung sắt… tốn khoảng hơn 100 triệu đồng.
Thời gian trước, khi còn ở chỗ cũ, hóa đơn tiền điện của gia đình chị Thảo lúc nào cũng trên dưới 1 triệu đồng. Nhưng từ khi chuyển qua nhà mới và sử dụng hệ thống điện mặt trời, chị thấy rõ được hiệu quả tiết kiệm điện.
Hệ thống điện mặt trời áp mái ngày càng được nhiều hộ dân lựa chọn để tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường |
“Trước khi lắp thì tôi tìm hiểu kĩ với mức sử dụng điện của gia đình thì lắp bao nhiêu pin mới đủ. Hiện giờ thì 14 tấm pin mỗi ngày trời nắng hệ thống sản xuất tầm 20-30kg điện. Gia đình xài thoải mái luôn. Có lúc lại thừa nữa”- chị Thảo chia sẻ.
Cũng lắp điện mặt trời, gia đình anh Lê Ngọc Quý ở phường Nghĩa Chánh cũng công nhận rằng mình đã có lựa chọn đúng. Theo anh Quý, chi phí lắp đặt ban đầu thoạt đầu nghe có vẻ lớn tầm vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhưng khi sử dụng thì mới thấy rất tiết kiệm.
Anh Quý phân tích: Ban ngày, nắng nhiều thì điện không xài hết tích trữ vào hệ thống ắc quy. Nếu còn dư điện thì mình có thể bán lại cho ngành điện với giá hơn 2.000 đồng/kg. Với cách này thì chỉ cần 5-6 năm là gia đình có thể lấy lại vốn đầu tư ban đầu. Mà hệ thống điện mặt trời này có hạn sử dụng tới 25 năm. Tức là trừ đi 5 năm đầu, gia đình có tới 20 năm dùng điện miễn phí.
Hai tháng gần đây, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, có hàng chục hộ dân nộp hồ sơ đăng ký làm hợp đồng mua bán điện hai chiều với ngành điện vì đã lắp đặt điện mặt trời áp mái.
Nắm bắt được nhu cầu lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà ngày càng nhiều, một số doanh nghiệp đã mở rộng hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, có Công ty CP Phát triển kỹ thuật năng lượng xanh Quảng Ngãi (Green Solar Quảng Ngãi)- một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn tỉnh.
Những tâm pin mặt trời có tuổi thọ dài đến 25 năm sử dụng |
Trung bình mỗi tháng công ty nhận tư vấn và lắp đặt khoảng 30-40 kWp điện, tương ứng với 6-8 hộ gia đình. Anh Võ Thành Trí- Phó Giám đốc công ty Green Solar Quảng Ngãi cho biết: Hệ thống giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện mà lại tận dụng được nguồn năng lượng vô tận từ mặt trời. Bên cạnh đó, hệ thống điện mặt trời còn giúp giảm bớt nguy cơ thiếu điện trên cả nước.
Ngành điện khuyến khích
Theo ông Phạm Quách Cường- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái có điểm nổi bật là khi có lượng điện dư không sử dụng, khách hàng có thể bán lại cho ngành điện. Chính vì vậy, sử dụng điện mặt trời không chỉ tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường mà còn được xem là giải pháp tiết kiệm điện năng, đáng đầu tư hiệu quả trong thời điểm hiện nay.
Tỉnh Quảng Ngãi được xem là một trong những tỉnh, thành có nhiều tiềm năng trong việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Tính đến nay, đã có trên 50 khách hàng trên địa bàn tỉnh lắp đặt điện mặt trời áp mái
.
Điểm nổi bật của điện mặt trời mái nhà chính là hộ sử dụng nếu không dùng hết lượng điện đã sản xuất có thể bán lại cho ngành điện với giá trên 2 nghìn đồng/kg |
Theo tính toán của ngành điện, đối với hộ gia đình có thể lắp đặt hệ thống có công suất từ 3-5 kWp. Mỗi kWp có mức đầu tư từ 18- 22 triệu đồng, tức là chi phí từ 60 triệu đến hơn 100 triệu đồng. Sau 5-6 năm, với việc bán điện thừa từ hệ thống, gia đình có thể hoàn vốn. Hệ thống có thời hạn sử dụng trong khoảng 25 năm.
Hiện nay ngành điện đang đang khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân phát triển các dự án sử dụng điện mặt trời áp mái. Ông Phạm Quách Cường cho hay: Để đấu nối điện mặt trời mái nhà, đầu tiên hộ gia đình cần đăng ký bán điện mặt trời với ngành điện. Sau đó, EVN sẽ kiểm tra, thử nghiệm các yêu cầu kỹ thuật hệ thống điện mặt trời, lắp đặt công tơ 2 chiều. Tiếp theo, ngành điện ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng.
Hàng tháng, chỉ số điện mặt trời phát lên lưới sẽ được ghi lại. Cuối cùng, ngành điện thanh toán tiền điện cho khách hàng mỗi tháng theo số lượng điện phát lên lưới.
Bài, ảnh: Khả Nhiên