TIN LIÊN QUAN |
---|
Tăng lợi nhuận, giảm rủi ro
Qua quá trình tìm hiểu trên mạng, cũng như tham gia các khóa học về chăn nuôi, năm 2018, gia đình anh Võ Quốc Pháp, ở thôn An Chỉ Tây, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) đã quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà khép kín trên diện tích hơn 1ha dưới chân núi Đình Cương. Với quy mô hai trại hơn 2.000m2, anh Pháp thả nuôi trên 30 nghìn con gà.
Mô hình nuôi heo bằng thảo dược của anh Phạm Lê Gia Bảo, xã Bình An (Bình Sơn). |
Chuồng trại có hệ thống làm mát bằng quạt thông gió công suất lớn, cùng với tường và mái che được thiết kế cách nhiệt, giúp nhiệt độ trong chuồng luôn ổn định theo mùa. Nền trại được rải một lớp trấu dày, hằng ngày công nhân phải đảo trấu kết hợp với rải vôi bột xử lý phân gà, phun thuốc khử trùng quanh chuồng, nhờ đó hạn chế tối đa việc gà bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt dưới 1%.
Nhờ chăn nuôi hiệu quả, mỗi lứa gà, anh Pháp thu lãi trên 400 triệu đồng. Anh Pháp chia sẻ: “Bí quyết của chăn nuôi theo hướng an toàn chính là trang trại phải xa khu dân cư, chuồng trại được đầu tư khép kín với công nghệ hiện đại, công tác vệ sinh, sát trùng phải được thực hiện thường xuyên. Đặc biệt, phải tuân thủ tiêm phòng vắcxin đúng ngày, đủ liều lượng cho gà”.
Trong thời điểm dịch tả heo Châu Phi đang lây lan ở nhiều địa phương, trang trại của anh Phạm Lê Gia Bảo, thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn), vẫn thả nuôi trên 2.500 con heo/lứa và xuất bán ổn định. Đầu ra của đàn heo được doanh nghiệp thu mua, nên không lo về giá cả. Bên cạnh chăn nuôi heo thịt thông thường, gia đình anh còn chăn nuôi gần 100 con heo thảo dược.
Anh Bảo chia sẻ: “Trang trại của tôi nằm tách biệt với khu dân cư, quy trình chăn nuôi khép kín. Tuy nhiên, từ ngày bùng phát dịch tả heo Châu Phi, việc chăm sóc, bảo vệ đàn heo đều do các bác sĩ thú y và công nhân kỹ thuật đảm nhiệm. Chúng tôi hạn chế tối đa người và phương tiện ra vào trang trại”.
Hướng đi tất yếu
Trước thực trạng dịch bệnh thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi, nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại có tiềm lực kinh tế đã đầu tư xây dựng các khu chăn nuôi khép kín, áp dụng công nghệ cao trong chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Những trang trại, gia trại quy mô nhỏ hơn cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng bài bản, có công trình khí sinh học, sử dụng đệm lót sinh học để giải quyết lượng chất thải, nước thải tại chỗ, hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều hộ gia đình chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, chuồng trại sơ sài, chất thải thải trực tiếp ra ao, hồ, khu dân cư... làm ảnh hưởng đến môi trường sống. Nguyên nhân là do phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học có chi phí đầu tư cao; các yêu cầu về xây dựng chuồng trại, điều kiện chăn nuôi, con giống, thức ăn, vắcxin... theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, nên người nuôi ngại tiếp cận.
Do đó, rất cần sự vào cuộc của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người chăn nuôi. Từ đó, thúc đẩy chăn nuôi theo hướng phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem đến nguồn thực phẩm an toàn cho người sử dụng.
Thực tế tại các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đang áp dụng theo hướng an toàn sinh học, quy trình VietGAP cũng cho thấy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đang trở thành hướng đi tất yếu và hiệu quả, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Hiệu quả rõ rệt Đối với chăn nuôi truyền thống, tỷ lệ vật nuôi chết do dịch bệnh, môi trường có thể lên đến 30 - 40% tổng đàn, thì khi áp dụng quy trình an toàn sinh học, tỷ lệ hao hụt chỉ còn 2 - 7%, chi phí đầu vào giảm, theo đó hiệu quả kinh tế cũng tăng 20 - 25%. |
Bài, ảnh: HỒNG HOA