(Báo Quảng Ngãi)- “Dù biết thương lái là “kênh” thu gom và phân phối thủy sản quan trọng, giúp ngư dân rất nhiều trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, Ban Quản lý (BQL) các Cảng cá tỉnh chỉ kiểm tra một số chỉ tiêu về số lượng, chủng loại... chứ không thể kiểm soát được hoạt động thu gom, mua bán hải sản giữa thương lái, ngư dân và doanh nghiệp”, Giám đốc BQL các Cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho biết.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, hầu hết các loại hải sản được thương lái thu mua không thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, nếu những sản phẩm này được thương lái bán cho doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu sẽ không đúng với quy định của các nước, cũng như khuyến cáo của Ủy ban Châu Âu. Hơn nữa, thương lái chỉ đảm nhận khâu thu gom và phân phối, không quan tâm đến vấn đề bảo quản và sơ chế, nên sản phẩm sẽ khó đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Thương lái chỉ đảm nhận việc thu gom và phân phối sản phẩm thủy sản, nên không chú trọng đến việc bảo quản nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng và vệ sinh ATTP. |
“Tôi chỉ có việc thu gom, cung cấp đúng loại và sản lượng thủy sản do bạn hàng đặt, còn việc họ bán ở đâu, xuất khẩu đi nước nào và quy định ra sao thì tôi không quan tâm”, bà Loan, thương lái thu mua thủy sản tại cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu (Bình Sơn) cho biết.
Theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP, các hành vi thu gom, mua bán, lưu giữ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển hải sản trái phép, không rõ nguồn gốc, xuất xứ... sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, nghị định này cũng quy định xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật đối với những loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, hoặc thủy sản, sản phẩm thủy sản hoang dã nguy cấp không rõ nguồn gốc, xuất xứ, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Vấn đề đặt ra là, vì sao DN không trực tiếp thu mua sản phẩm của ngư dân mà phải qua thương lái? “Thương lái trực tiếp đầu tư vốn, hoặc cho ngư dân vay vốn đóng tàu, trang trải phí tổn cho mỗi chuyến biển. Vì vậy, sau mỗi chuyến biển, ngư dân phải cập về các cảng quen của họ để bán sản phẩm”, ngư dân Nguyễn Hoàng Dũng, xã Bình Châu (Bình Sơn) lý giải.
Thực tế, việc bán sản phẩm cho thương lái, cũng như mối quan hệ giữa thương lái và ngư dân hình thành hàng chục năm nay, nên DN rất khó, thậm chí là không thể “chen” vào. Chính vì vậy, dù sản lượng thủy sản khai thác hằng năm của tỉnh rất lớn (năm 2018 là trên 234 nghìn tấn), nhưng nhiều DN chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu hụt sản phẩm, phải mua lại của thương lái, hoặc nhập từ ngoài tỉnh.
“Thương lái gần như thao túng nguồn nguyên liệu ở hầu hết các cảng cá trong tỉnh, buộc chúng tôi phải mua lại sản phẩm từ họ với giá cao. Chúng tôi cũng đã từng đặt vấn đề hợp tác trực tiếp với ngư dân, bao tiêu sản phẩm và ứng trước kinh phí mỗi chuyến biển, nhưng họ vẫn từ chối vì... ngại thương lái!”, chủ DN chế biến và xuất khẩu thủy sản Đ.N (KCN Quảng Phú) cho biết.
Theo ngành chuyên môn, đây là điều rất khó quản lý! Bởi mua - bán là việc của thương lái và ngư dân; còn việc kiểm tra chất lượng, vệ sinh ATTP, hay nguồn gốc, xuất xứ... của cơ quan chức năng thì thực hiện theo định kỳ. Toàn tỉnh có trên 5.600 chiếc tàu, 5 cảng cá và hàng chục bến cá tự phát, sản lượng khai thác trên 234 nghìn tấn, thì lực lượng chuyên môn không đủ nhân lực lẫn kinh phí để quản lý và kiểm soát. Vì vậy, việc quản lý và kiểm soát các chỉ tiêu về chất lượng, vệ sinh ATTP hay truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng chỉ thực hiện chiếu lệ.
Tuy nhiên, theo BQL các Cảng cá tỉnh, nếu DN có nhu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản, để thuận lợi cho xuất khẩu, BQL sẽ kêu gọi ngư dân cập 1 trong 4 cảng chỉ định, để thực hiện đúng các quy định đã được Bộ NN&PTNT ban hành.
Bài, ảnh: THANH PHONG