Cho ngư dân vay vốn: Tiềm ẩn nhiều nỗi lo

09:07, 16/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh việc cho ngư dân vay đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn khơi bám biển. Tuy nhiên, tình hình nợ xấu trong lĩnh vực này lại đang gia tăng, khiến ngân hàng lo lắng.

TIN LIÊN QUAN

“Bơm vốn” vào kinh tế biển

Với chiều dài 130km bờ biển, cùng với nhiều nhánh sông đổ ra biển, nên Quảng Ngãi được xem là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Trước đây, phần lớn các chủ tàu đều mượn vốn của các chủ vựa cá để đi biển, sau đó về bán cá lại cho chủ vựa, nên lợi nhuận không cao, có khi còn bị lỗ vốn. Hộ nào đóng tàu công suất lớn thì phải vay mượn thêm bên ngoài, với lãi suất cao.

Vì vậy, hiện nay các ngân hàng chủ động tìm đến ngư dân để cho vay, cùng với những chính sách khuyến khích của Nhà nước, đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát triển ngành kinh tế biển, cải thiện đời sống ngư dân.

 Chiếc tàu vỏ gỗ QNg 92607 TS của ông Nguyễn Thủy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Chiếc tàu vỏ gỗ QNg 92607 TS của ông Nguyễn Thủy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Những năm qua, Agribank Quảng Ngãi đã và đang cung ứng nguồn vốn, tạo nền tảng cho khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển. Riêng lĩnh vực kinh tế biển, Agribank Quảng Ngãi đã cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67, với tổng dư nợ 122 tỷ đồng. Ngư dân Nguyễn Thủy, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết: “Trước đây, tàu của tôi có công suất nhỏ và cũ, nên đánh bắt không hiệu quả. Sau đó, tôi được Agribank huyện Tư Nghĩa cho vay vốn để đóng tàu công suất lớn. Nhờ thu nhập ổn định, nên việc trả lãi, nợ gốc cho ngân hàng luôn được đảm bảo”.

Theo số liệu thống kê của ngành ngân hàng, đến nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng cho vay 63 tàu theo Nghị định 67, với tổng số tiền đã cam kết cho vay hơn 387 tỷ đồng, đã giải ngân trên 383 tỷ đồng, dư nợ trên 344 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay đã có 10 tàu phát sinh nợ quá hạn tại BIDV Quảng Ngãi và Vietcombank Quảng Ngãi, chiếm 29% so với tổng dư nợ.

Gia tăng nợ quá hạn

Vietcombank Quảng Ngãi cũng là một trong những ngân hàng thương mại tiên phong cho vay đầu tư trong lĩnh vực phát triển kinh tế biển và hiện nay có dư nợ tương đối lớn. Việc các ngân hàng thương mại chủ động hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp ngành thủy sản vay vốn, đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ thủy, hải sản, tạo nên chuỗi giá trị khép kín và phát triển bền vững ngành kinh tế biển.

Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây, biển liên tục mất mùa; hoạt động khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ cũng không được thuận lợi, dẫn đến việc trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng của ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Phạm Thị Thúy Kiều cho biết: “Những năm trước, ngư dân làm ăn thuận lợi, hằng tháng trả lãi và nợ gốc cho ngân hàng đầy đủ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, phát sinh nợ quá hạn ngày càng nhiều, nhất là các chủ tàu ở 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi). Có 13 chủ tàu vay theo Nghị định 67 thì đã có 3 tàu gặp khó khăn trong việc làm ăn và trả nợ”.

Hiện nay, BIDV Quảng Ngãi cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý các trường hợp nợ quá hạn. Theo lãnh đạo BIDV Quảng Ngãi, thời gian qua có một số ngư dân viện dẫn nhiều lý do để kéo dài hoặc không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng, dẫn đến nợ quá hạn ngày càng tăng.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 


.