(Báo Quảng Ngãi)- Mặc dù đóng vai trò quyết định trong việc phát triển rừng trồng gỗ lớn, nhưng hiện nay, doanh nghiệp (DN) vẫn loay hoay và lúng túng trong việc thực hiện hợp tác đầu tư với người dân...
TIN LIÊN QUAN |
---|
Mặc dù các công ty lâm nghiệp và nhà nước thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ với người dân trồng rừng gỗ lớn như: Cung cấp giống cây chất lượng với giá ưu đãi; hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và chi phí đánh giá chứng chỉ rừng đạt chuẩn quốc tế FSC...
Đến khi khai thác, nếu gỗ đạt chứng chỉ FSC, công ty sẽ thu mua cao hơn giá thị trường, tùy theo chất lượng của sản phẩm, nhưng người dân vẫn không mặn mà tham gia.
“Người dân lo lắng lợi ích kinh tế từ việc tham gia mô hình trồng rừng FSC thấp hơn so với cách trồng truyền thống, vì công ty chỉ đồng ý mua các loại gỗ có chất lượng tốt, gỗ lớn và không chịu trách nhiệm về các loại gỗ còn lại. Điều này phần nào phản ánh tính thiếu bền vững của mô hình liên kết”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) Nguyễn Đại cho biết.
Trồng rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, nhưng chưa được nhiều người dân quan tâm. |
Thực tế, chi phí thực hiện trồng rừng FSC khá cao, trong khi DN chỉ hỗ trợ một số khâu như: Kỹ thuật, giống, vận hành các tổ hoặc nhóm hộ trồng rừng, chi phí đánh giá chứng chỉ... Tuy nhiên, các chi phí trên chưa được tính vào trong cơ cấu giá thành sản xuất của hộ.
Vì vậy, dù DN cam kết thu mua gỗ đạt chất lượng cao hơn 10 - 15% so với thị trường, nhưng người dân vẫn không tham gia mô hình, vì phải tự đầu tư các chi phí liên quan đến việc làm chứng chỉ FSC. Hơn nữa, giữa DN và người dân vẫn còn chưa tin tưởng nhau.
Trong khi người dân lo DN thất hứa, không chia sẻ rủi ro, còn DN lại lo người dân không tuân thủ hợp đồng, bán cây non hoặc bán gỗ ra ngoài, thay vì bán cho DN, hoặc bán gỗ trước thời điểm quy định, thay vì giữ rừng, tạo rừng gỗ lớn.
Bên cạnh đó, rừng và đất rừng trồng ở miền núi hiện nay đều do người dân đang tổ chức sản xuất, chủ yếu là trồng keo; trong đó, nhiều diện tích đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Đất đai là rào cản chủ yếu trong việc phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn.
Dù đầu tư trồng và bảo vệ, phát triển rừng gỗ lớn thuộc lĩnh vực được nhà nước đặc biệt ưu đãi, nhưng quỹ đất lâm nghiệp tập trung quy mô lớn để trồng mới rừng gỗ lớn thì rất hạn chế. Vì vậy, DN mới phải loay hoay liên kết với người dân, nên gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Tơ cho biết.
UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch, trong 2 năm 2019 - 2020, sẽ chuyển 507ha rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ... Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ có một số tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia. Nguyên nhân là người dân “chê” mức hỗ trợ chuyển hóa rừng 5 triệu đồng/ha là thấp.
“Chuyển hóa rừng trồng nguyên liệu gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, chúng tôi vừa tốn công thực hiện, vừa phải bỏ hơn 50% số lượng cây hiện có để đảm bảo mật độ cây theo quy định”, ông Phạm Văn Hùng, xã Ba Động (Ba Tơ), lý giải.
Chính vì vậy, dù được nhà nước hỗ trợ trồng cây phân tán là cây gỗ nguy cấp, quý, hiếm với quy mô 70.000 cây, mức hỗ trợ 40 ngàn đồng cây; chủ rừng được vay bình quân 15 triệu đồng/ha với lãi vay bình quân 10%/năm, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất 8,8%/năm... nhưng việc liên kết triển khai trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh hiện vẫn ì ạch.