TIN LIÊN QUAN |
---|
Hiện nay, việc chấp hành các quy định về giá, bán hàng theo giá niêm yết của các hộ kinh doanh còn mang tính hình thức và đối phó với cơ quan chức năng. Nhiều chủ cơ sở kinh doanh cho rằng, việc thực hiện niêm yết giá gặp nhiều khó khăn do giá cả các loại hàng hóa có sự biến động hằng ngày. Điều này dẫn đến tình trạng không niêm yết giá các mặt hàng vẫn diễn ra phổ biến.
Đa số các mặt hàng ở Chợ Quảng Ngãi không được niêm yết giá. |
Chủ cửa hàng giày dép tại chợ Quảng Ngãi, chị N.T.M.N cho biết: “Tâm lý của khách hàng muốn “mặc cả” bớt một, hai giá so với giá chúng tôi đưa ra. Vì vậy, nếu có niêm yết giá trên sản phẩm cũng không có tác dụng. Bên cạnh đó, mỗi ki-ốt chỉ có một chủ kiêm người bán, nên không có thời gian gắn giá vào hàng trăm sản phẩm”.
Là một trong những chợ có sức tiêu thụ hàng hóa lớn, chợ Quảng Ngãi hiện có hơn 1.600 hộ kinh doanh cố định và khoảng 500 quầy hàng không cố định. Hầu hết các loại hàng hóa ở chợ này đều không niêm yết giá bán, hoặc có niêm yết thì cũng chỉ một số ít sản phẩm.
Riêng đối với mặt hàng túi xách, quần áo, giày dép... sự chênh lệch giá giữa người bán và người mua còn cách xa nhau khá nhiều. Vì vậy, nhiều người tiêu dùng khi mua hàng không biết giá chính xác của từng sản phẩm để lựa chọn mua cho hợp lý, dẫn đến tình trạng bị “hớ” khi chưa kịp cập nhật giá cả thị trường.
Tại chợ đầu mối nông sản TP.Quảng Ngãi, lượng người mua và hàng hóa buôn bán khá lớn. Tuy nhiên, khó có thể tìm thấy một mặt hàng nông sản nào được tiểu thương niêm yết giá. “Rau củ quả khó niêm yết giá lắm, vì nó thay đổi mỗi ngày. Chúng tôi đến mua, lựa chọn tùy vào mặt hàng đẹp xấu rồi đưa ra mức giá mà người bán lẫn bên mua đều chấp thuận là được”, chị Trần Thị Thu Quỳnh, một người tiêu dùng, cho hay.
Trưởng Ban Quản lý chợ Quảng Ngãi Phan Xuân Hoanh cho biết: Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các tiểu thương thể hiện văn minh thương mại như không nói thách, không kê giá cao... Và trong nội quy chợ cũng đã ghi rõ: “Tất cả hàng hóa phải được niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết”. Mỗi năm, các tiểu thương đều ký cam kết, trong đó có cam kết thực hiện niêm yết giá. Song đến nay, hầu hết các tiểu thương đều không “mặn mà” với các quy định trên.
Niêm yết giá và bán theo giá niêm yết là góp phần bình ổn giá, bảo vệ người tiêu dùng. Để việc niêm yết giá trở thành nếp kinh doanh ở các chợ cần phải có biện pháp chế tài mạnh hơn đối với người vi phạm. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người kinh doanh trong việc niêm yết giá. Hơn nữa niêm yết giá, bán hàng đúng giá niêm yết cũng là cách để thu hút khách vào chợ, khắc phục tình trạng chợ truyền thống thường vắng khách như hiện nay.
Bài, ảnh: VŨ YẾN