Bao giờ mới niêm yết giá bán tại các chợ?

10:01, 23/01/2018
.

(Baoquangngai.vn) – Không niêm yết giá bán, hét giá lên gấp đôi, gấp ba lần giá bán, kỳ kèo, chèo kéo khách hàng là thói quen của hầu hết tiểu thương tại các chợ. Cách bán hàng “ăn xổi ở thì” đã và đang khiến người tiêu dùng mất lòng tin, quay lưng lại với chợ truyền thống.

TIN LIÊN QUAN

Trả giá nào cũng “dính”
 
Có mặt tại chợ Quảng Ngãi vào ngày đầu tháng Chạp, hàng hóa được các tiểu thương nhập về bày bán dồi dào, đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, nhưng khách hàng còn thưa vắng. 
 
Tại tầng 2, nơi tập trung các mặt hàng thu hút đông khách nhất đến chợ là quần, áo, vải, ví, túi xách, mỹ phẩm… Hầu hết các quày hàng đều không niêm yết giá, khách hàng đều phải trả giá, kỳ kèo rất lâu. 
 
Chị Phạm Thị Tiên, đến từ xã Hành Tín Đông, huyện Nghĩa Hành cho biết, trước khi đến đây, người quen đã dặn dò, nếu mua hàng phải trả giá giảm xuống một phần ba đến một nửa. 
 
Theo chân Tiên, chúng tôi đến dạo quanh một vòng các sạp quần áo, chị Tiên xem một chiếc áo ấm vải ni lông dáng thể thao, giá chủ sạp đưa ra là 700.000 đồng. Thấy quá cao, chị Tiên lắc đầu bỏ đi.
 
Chị Tiên bảo: “Em đã dạo một vòng các shop bên ngoài, mặt hàng cùng loại giá niêm yết chỉ từ 230.000 - 250.000 đồng, nghỉ vào chợ mua hàng rẻ hơn, không ngờ ở đây hét giá cao quá, trả kiểu gì cũng “dính”, không biết trả giá nào, nên thôi”.
 
 
Hàng hóa tại chợ khá dồi dào, nhưng vắng khách.
Hàng hóa tại chợ khá dồi dào, nhưng vắng khách.
 
Em Trần Thị Tâm, ở xã Bình Minh, huyện Bình Sơn sau một hồi dạo quanh các sạp quần áo cũng lắc đầu ngán ngẩm với cái cách “nhìn mặt hét giá” của người bán. Tâm dừng chân chọn mua ở sạp có niêm yết giá bán công khai.
 
Tâm cho biết: “Là sinh viên nên em thường đến chợ để mua hàng. Tuy nhiên, ở dây nói thách ghê quá, trả giá nào cũng bị hớ. Có lần, em mua cái ví, họ nói 350.000 đồng, định trả 100.000 đồng, nhưng sợ bị chửi, trả 150.000 đồng họ gật đầu bán ngay. Mua hàng rồi mà tức anh ách, hứa sẽ không bao giờ quay lại mua ở sạp đó thêm một lần nào nữa”.
 
Trong vai người mua hàng, chúng tôi khảo sát giá cả ở các sạp hàng. Người bán luôn miệng than thở ế ẩm, tình trạng nói thách vẫn diễn ra ở các ngành hàng như: quần, áo, ví, túi xách, giày dép, đặc biệt là mặt hàng quần, áo, tiểu thương luôn hét giá cao gấp 2 - 3 lần. 
 
Cần niêm yết giá bán
 
Việc niêm yết giá đã được Luật Giá quy định từ năm 2013. Trong đó quy định về việc hộ kinh doanh niêm yết giá hàng hóa và bán đúng giá niêm yết. Tuy nhiên, việc niêm yết giá chỉ thường thấy ở những siêu thị, trung tâm mua sắm lớn, các shop, còn ở các chợ, từ nông thôn  đến chợ tỉnh, đều chưa thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết trên sản phẩm. Hàng hóa vẫn được bán theo kiểu mặc cả. 
 
 
Niêm yết giá bán là thực hiện văn minh thương mại.
Niêm yết giá bán là thực hiện văn minh thương mại.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Võ Minh Tâm cho biết, sau khi Luật Giá có hiệu lực thi hành, lực lượng quản lý thị trường đã thường xuyên tuyên truyền cho các hộ kinh doanh niêm yết giá bán, bán đúng giá niêm yết, đồng thời nhắc nhở, xử lý với những trường hợp vi phạm, đặc biệt ở nhóm các mặt hàng thiết yếu.
 
Với mặt hàng như quần, áo, dày giép thuộc nhóm mặt hàng thông thường nên lực lượng quản lý thị trường cũng thường xuyên tuyên truyền các tiểu thương niêm yết giá bán. Việc niêm yết giá bán là thực hiện văn minh thương mại. 
 
Mặc dù đã được tuyên truyền, nhắc nhở, nhưng nhiều tiểu thương ở các chợ vẫn không mặn mà với việc niêm yết giá bán. Cũng chính điều này đã khiến phần đông người tiêu dùng quay lưng lại với chợ, chọn hình thức mua sắm văn minh hơn là đến siêu thị, các shop, dù mua sắm ở chợ, hàng hóa đa dạng, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của phần lớn khách hàng. 
 
Chị Thu, chủ sạp quần, áo Minh Thu, sạp quần áo duy nhất niêm yết giá bán tại chợ Quảng Ngãi cho rằng, việc niêm yết giá bán tại chợ rất cần thiết, sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho cả người mua cũng như người bán.
 
Trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, niêm yết giá và bán theo đúng giá niêm yết là một hoạt động văn minh thương mại rất cần thực hiện. Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên ra quân kiểm tra việc niêm yết giá; đồng thời người bán cần thay đổi nhận thức trong kinh doanh, góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giữ chân khách hàng đến với chợ truyền thống.
 
 
Bài, ảnh: C.P
 
 

.