Các HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ: Chỗ giải thể, nơi hoạt động cầm chừng

02:07, 31/07/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hợp tác xã Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (HTX) được xem là “bà đỡ” của ngư dân, giúp họ vượt khó, yên tâm bám biển. Tuy nhiên, sau gần chục năm thành lập, do gặp nhiều vướng mắc, phần lớn các HTX hoạt động cầm chừng, thậm chí 3/8 HTX đã ngừng hoạt động.

TIN LIÊN QUAN

Để khuyến khích cũng như tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, UBND tỉnh ban hành Đề án xây dựng và phát triển Hợp tác xã Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ (đề án), giai đoạn 2015 - 2020.

Theo đó, khi thành lập, HTX sẽ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ chi phí thuê cơ sở hạ tầng tại các cảng cá và khu neo đậu trú bão tàu cá; tạo điều kiện thuận lợi về đất đai để xây dựng trụ sở làm việc, sân phơi, nhà kho, cơ sở dịch vụ và được hưởng tín dụng với lãi suất thấp, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX...

Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi trên thực hiện chậm, hoặc chưa đến được với HTX. Vì vậy, đến nay vẫn còn HTX hoạt động trong điều kiện “ba không”. Đó là: không có trụ sở làm việc, không có mặt bằng làm dịch vụ hậu cần nghề cá và không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.

Do mặt bằng hẹp, nên HTX Phổ Thạnh không thể mở rộng quy mô các dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.
Do mặt bằng hẹp, nên HTX Phổ Thạnh không thể mở rộng quy mô các dịch vụ sửa chữa và đóng mới tàu thuyền.

Đơn cử như HTX Lý Sơn - Hoàng Sa (Lý Sơn). Ngày đầu thành lập có 12 thành viên, là chủ của 5 chiếc tàu công suất lớn, từng được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều ngư dân huyện đảo tham gia. Tuy nhiên, sau thời gian dài tìm kiếm và thực hiện các thủ tục thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ sản xuất kinh doanh, nhưng chậm được các cấp thẩm quyền giải quyết, nên các thành viên tiên phong của HTX lần lượt xin nghỉ.

Vì vậy, HTX phải ngừng hoạt động. Hay như HTX Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi), dù được thành lập theo nhu cầu của ngư dân địa phương, nhưng vì không có mặt bằng hoạt động, lại thiếu vốn đầu tư, nên chỉ sau một thời gian hoạt động, đến năm 2018, HTX này cũng giải thể.

Trong khi đó, với diện tích 700m2 được cấp tại cảng cá Sa Huỳnh, HTX Phổ Thạnh (Đức Phổ) chỉ xây dựng nhà kho và văn phòng làm việc, chứ không có mặt bằng để triển khai thực hiện các dịch vụ khác. Vì thế, HTX chỉ tổ chức hoạt động thu phí, sửa chữa máy móc và cung cấp một số nhu yếu phẩm cho ngư dân.

“Tàu thuyền nhiều, nhu cầu cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề cá lớn, nhưng vì không có mặt bằng, cộng với việc khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nên HTX hoạt động cầm chừng. Hiện chỉ còn 21/29 thành viên tham gia”, Giám đốc HTX Phổ Thạnh Phan Hiển cho biết.  

Ngay như HTX Phổ Quang (Đức Phổ), dù được xem là một trong những HTX hoạt động hiệu quả nhất trong số 5 HTX, nhưng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ cho ngư dân bám biển, vươn khơi, HTX không chỉ cung ứng các dịch vụ trả chậm, mà còn đầu tư mở rộng và nâng cao chất lượng của nhiều dịch vụ hạ tầng, nên chật vật trong việc xoay vòng vốn.

Trong khi đó, từ năm 2018, Ban Quản lý các Cảng cá tỉnh đề nghị tăng chi phí thuê mặt bằng (diện tích 5.000m2) tại cảng Mỹ Á từ 18 triệu đồng/năm lên trên 170 triệu đồng/năm. “Nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng lợi nhuận từ việc cung ứng dịch vụ cho ngư dân thấp, chi phí thuê mặt bằng lại tăng, nên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của HTX”, Giám đốc HTX Phổ Quang Thái Văn Thi cho biết.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.