Thực hiện Luật Thủy sản 2017: Nhiều bất cập cần tháo gỡ

02:06, 12/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tàu cá dài từ 15m trở lên phải cập vào những cảng được Bộ NN&PTNT chỉ định, hoặc lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và kiểm soát. Tuy nhiên, những quy định trên trong thực tế đã bộc lộ một số bất cập, khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn...

TIN LIÊN QUAN

Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ ngày 25.4.2019. Cụ thể là, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập về 1 trong 57 cảng đã được Bộ NN&PTNT chỉ định, để xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được. Trong đó, Quảng Ngãi có 4 cảng cá là Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) và Sa Huỳnh, Mỹ Á (Đức Phổ). Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng phục vụ hậu cần và dịch vụ nghề cá tại 4 cảng cá nêu trên chưa đáp ứng yêu cầu, nên hầu hết ngư dân đều cập tàu ở các bến cá tự phát.

 Cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chỉ phù hợp với việc neo đậu, tránh trú, chứ chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân.
Cảng Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) chỉ phù hợp với việc neo đậu, tránh trú, chứ chưa đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân.


“Luồng lạch, cơ sở hạ tầng tại 4  cảng cá chỉ định không đảm bảo, chỉ cần hai tàu câu mực cập vào là kín cảng. Vào mùa câu mực, tàu về nhiều, nếu cập vào các cảng cá theo quy định, chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc bốc dỡ và xuất bán sản phẩm”, ngư dân Đặng Ngọc Sơn, xã Bình Chánh (Bình Sơn) cho hay.

Lâu nay, hầu hết các tàu câu mực trên địa bàn tỉnh đều cập cảng Sa Cần để thuận lợi trong việc di chuyển, cũng như xuất bán sản phẩm. Vì thế, khi Nghị định 26 có hiệu lực, ngư dân rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Ngoài ra, theo Nghị định 26, tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (Movimar) trước ngày 1.7.2019. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện có 174 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên, nhưng Bộ NN&PTNT chỉ phân bổ 50 thiết bị Movimar. Thực tế, việc triển khai lắp đặt thiết bị Movimar cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã được triển khai từ giữa năm 2018 và kế hoạch phải hoàn thành trước ngày 30.10.2018. Tuy nhiên, do thiếu thiết bị, nên tháng 11.2018, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương thu hồi thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên tàu cá có chiều dài dưới 24m, để lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên do địa phương quản lý.

Không những thế, các loại thiết bị giám sát hành trình do Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) quản lý và chỉ định đích danh chủng loại được phép lắp đặt, khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. “Hiện nay, Tổng cục Thủy sản chưa công bố các loại thiết bị đủ điều kiện, nên Chi cục Thủy sản cũng không có cơ sở thông báo và hướng dẫn cho ngư dân, làm ảnh hưởng đến tiến độ lắp đặt”, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) Lê Văn Sơn cho biết.

Việc chậm trễ này không chỉ khiến ngư dân gặp khó, mà ngành chuyên môn cũng lúng túng trong công tác quản lý, giám sát và xử lý. Bởi theo quy định, sau ngày 1.7.2019, nếu tàu cá từ 24m trở lên không có thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xử phạt. Vì vậy, Chi cục Thủy sản đã tham mưu cho Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản sớm công bố danh mục, chủng loại các thiết bị giám sát hành trình đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, để ngư dân có cơ sở lựa chọn và lắp đặt.

Bài, ảnh: MỸ HOA


.