Sản xuất vụ hè thu 2019: Ứng phó với khô hạn, dịch bệnh

09:06, 11/06/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- So với những năm trước, vụ hè thu năm 2019 bị áp lực về lịch thời vụ (chậm hơn 5 ngày), nên khô hạn và xâm nhập mặn vùng cửa sông xuất hiện sớm, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát... Hiện nay, ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương trong tỉnh đang tập trung ứng phó.

TIN LIÊN QUAN

Từ thiếu nước...

Lịch thời vụ sản xuất hè thu năm 2019 đã kết thúc vào ngày 6.5, nhưng đến thời điểm này, vẫn còn khoảng 9.000ha lúa chưa xuống giống. Trong đó, huyện Đức Phổ còn gần 1.000ha, Mộ Đức khoảng 2.000ha, Tư Nghĩa hơn 1.000ha và Bình Sơn 1.700ha... “Tiến độ gieo sạ chậm là do các hồ chứa không đảm bảo nước, phần vì hệ thống kênh mương không đảm bảo, nên nhiều diện tích ở khu vực cuối kênh Thạch Nham hiện vẫn chưa có nước”, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) Phạm Bá cho biết.

 Thiếu nước, phải sử dụng máy bơm, nhưng lượng nước vẫn không đủ để nông dân làm đất gieo sạ.        Ảnh: MỸ HOA
Thiếu nước, phải sử dụng máy bơm, nhưng lượng nước vẫn không đủ để nông dân làm đất gieo sạ. Ảnh: MỸ HOA

Do nắng nóng gay gắt kéo dài, nên hiện nay dung tích nước của nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang suy giảm nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến việc gieo sạ của nông dân, nhất là ở huyện Đức Phổ, Bình Sơn. Trước tình trạng này, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đang tập trung khơi kênh, điều tiết nước; còn nông dân thì nỗ lực tìm nước bằng cách đóng giếng hoặc bơm nước từ các ao hồ.

... đến nỗi lo dịch hại

Hiện nay, trên 25 nghìn hécta lúa đã gieo sạ nông dân lại thấp thỏm lo dịch hại. Bởi trong điều kiện khô hạn kéo dài, nguy cơ xâm nhập mặn hiện hữu, các giải pháp phòng trừ dịch hại cũng bị chi phối. Hơn nữa, thời gian “nghỉ” giữa vụ đông xuân và hè thu ngắn, nên mầm bệnh chưa bị tiêu diệt triệt để, trong khi vụ sản xuất đông xuân 2018 - 2019, toàn tỉnh có trên 8.500ha lúa, rau màu và cây lâm nghiệp bị dịch bệnh.

Riêng cây lúa có trên 8.000ha, chiếm 21% tổng diện tích gieo trồng. Đối tượng gây hại chủ yếu là chuột, bọ trĩ, rầy nâu - rầy lưng trắng, ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn và bệnh khô vằn... “Đây là thách thức rất lớn trong vụ hè thu, bởi bên cạnh bệnh khô vằn - đối tượng gây hại chính có nguy cơ bùng phát, thì hiện nay bệnh sâu keo mùa thu cũng đã xuất hiện và gây hại ở nhiều địa phương. Vì vậy, ngành chuyên môn đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, tránh nguy cơ bùng phát trong vụ hè thu và cả những vụ tiếp theo”, ông Bá cho biết.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng đã cảnh báo, dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã bộc phát trở lại từ giữa vụ hè thu năm 2017, sau hơn 10 năm khống chế. Ngoài nguyên nhân do mất cân đối trong cơ cấu giống, lúa bị nhiễm rầy, nhiễm bệnh thì cũng có phần do nông dân không tuân thủ chặt chẽ lịch thời vụ xuống giống, khiến rầy bùng phát. Chấn chỉnh tình trạng này, ngay từ khi triển khai kế hoạch sản xuất vụ hè thu, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô đã yêu cầu: “Ngành nông nghiệp và các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo kỹ thuật, kiểm soát chặt cơ cấu giống và lịch thời vụ. Riêng những diện tích không đảm bảo nước, thì chuyển sang canh tác các loại  cây trồng cạn”.

Đề nghị Chính phủ hỗ trợ 90 tỷ đồng

Trước tình trạng nắng nóng kéo dài, dự báo nguồn nước cạn kiệt, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 90 tỷ đồng, để thực hiện công tác phòng, chống hạn và xâm nhập mặn, phục vụ dân sinh và sản xuất.

MỸ HOA


 


.