(Báo Quảng Ngãi)- Vườn tiêu thẳng tắp, tươi xanh mơn mởn với những chùm quả sai dắt díu của anh Phạm Ngọc (51 tuổi), ở xóm núi Đá Hang, thôn An Hòa Nam, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) đã khẳng định mô hình trồng cây công nghiệp với nhiều ý tưởng sáng tạo của người nông dân quyết tâm bám đất làm giàu nơi đồi dốc khô cằn sỏi đá này.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Anh Ngọc cho biết, thời bao cấp, vùng đất này hoang vu lắm. Từ nhỏ anh đã theo cha lên đây khai hoang vỡ hóa, trồng mía, mì kiếm sống rồi bám trụ ở đây luôn. Nhưng thời đó làm mía, làm mì rất cực mà thu nhập không cao. Vì muốn thoát cảnh “mía mì” này, năm 1995 anh rời quê vào tỉnh Đồng Nai lập nghiệp với mộng làm giàu bằng cây công nghiệp.
Khi xa quê đến xứ người, anh nhận ra ở đây người ta cũng chỉ trồng tiêu trên các loại đất giống như đất đồi núi ở quê mình, mà phát triển rất tốt. Anh quyết định trở lại quê nhà bám đất, bám vườn thử nghiệm trồng tiêu bằng giống tiêu Vĩnh Linh.
Vườn tiêu đã giúp anh Ngọc thoát nghèo, làm giàu chính đáng. |
Thế là từ đó, tại khu vườn khoảng 1ha của mình, đầu tiên anh Ngọc trồng cây lồng mức để làm choái trụ. Sau một năm, khi cây lòng mức được 5cm đường kính, anh trồng tiêu và cho dây tiêu bám vào cây lồng mức. Năm 2001, anh trồng được 20 trụ tiêu giống Vĩnh Linh. Rồi cứ thế trồng tăng dần qua từng năm. Đến nay, trên khu vườn của mình anh Ngọc đã trồng 800 trụ tiêu phát triển rất tốt. Trong đó có 400 trụ tiêu đã cho thu hoạch ổn định từ 7 năm nay.
Với số trụ tiêu này, bình quân mỗi năm anh Ngọc thu hoạch từ 6 – 7 tạ tiêu khô, có năm được mùa đạt tới gần 1 tấn. Vào những năm tiêu được giá, như năm 2016 trở về trước, anh có thu nhập từ vườn tiêu này hơn 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, giá tiêu năm nay ở mức rất thấp, trừ chi phí không còn lãi bao nhiêu. Còn 400 trụ tiêu mới trồng được 2 – 3 năm thì đang cho trái bói, sang năm bước vào thu hoạch chính. Từ đó, sản lượng vườn tiêu của anh sẽ nâng cao dần tới mức gấp đôi so với trước.
Cũng trong khu vườn này, tiếp liền với khu vực trồng tiêu, anh đã xây 150 trụ gạch xi măng trồng cây thanh long ruột đỏ và đã cho thu hoạch 3 năm rồi. Nhưng làm theo mô hình này, vào mùa khô nắng nóng, thanh long chịu không nổi, nên cho năng suất không cao. Vì vậy, anh đã nghĩ ra cách chuyển sang trồng theo mô hình kép.
Nghĩa là trước đây thanh long được trồng theo quy cách xây trụ gạch với khoảng cách cây cách cây 3m, hàng cách hàng 3m, bây giờ anh trồng xen giữa 2 trụ thanh long thêm một trụ tiêu leo lên cây lòng mức để lấy bóng mát che bớt nắng cho Thanh Long. Nhờ vậy mà thanh long phát triển tốt, khả năng sẽ cho năng suất cao hơn trước. Ngoài ra còn có thêm thu nhập từ những trụ tiêu trồng xen, nên chắc chắc giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích của mô hình này sẽ cao hơn trồng thanh long đơn thuần.
Anh Ngọc còn nuôi 2 con bò cái lai sind để lấy giống nuôi thành bò thịt. Nguồn thức ăn của bò là cỏ trồng xen trong vườn tiêu. Năm nào anh cũng xuất bán từ 2 con bò thịt trở lên, thu nhập vài chục triệu đồng. Nhưng theo anh, nuôi bò là để lấy phân làm vườn. Anh đã làm một hầm biogas với thể tích chứa 12m3. Tất cả nguồn phân bò thải ra đều cho qua hầm biogas xử lý. Khí gas đủ cho gia đình dùng hằng ngày. Còn nước phân thải ra được đưa vào bể chứa trong vườn đủ dùng để bơm tưới cho cây, nên vườn tiêu và thanh long của anh luôn phát triển tốt.
Nhờ có nguồn thu nhập từ trồng cây công nghiệp và cây ăn quả, gia đình anh Ngọc đã xây được nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ và nuôi được 4 người con ăn học, trưởng thành.
Anh Ngọc, cho biết: "Tôi không thể nào bỏ cây tiêu được. Vì tiêu cho thu nhập đều qua từng năm, không phải mất công trồng đi trồng lại. Trồng tiêu còn tạo được môi trường sinh thái quanh vườn ôn hòa, mát mẻ, thích hợp với chăn nuôi gia cầm dưới tán vườn. Trở về quê hương bám đất bám vườn trồng cây công nghiệp là sự lựa chọn của tôi. Khi đã chí thú với công việc này, chẳng những hằng năm có thu nhập khá mà còn được hưởng không khí trong lành, thật là dễ chịu".
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÂM