(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy (khóa XVIII) về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020, từ năm 2011 đến nay, Đảng bộ và chính quyền huyện Đức Phổ đã tập trung chỉ đạo huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết quả, đến nay khu vực nông thôn ở huyện cực nam của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập
Nhờ huy động tốt các nguồn vốn xây dựng NTM, huyện Đức Phổ đã sử dụng một phần để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nhanh số lượng hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Giai đoạn 2011-2015, huyện đã hỗ trợ trên 3 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Nhờ đó các xã đã chủ động mua giống lúa chất lượng cao, cấp cho nông dân để nhân giống và mua bò giống cấp cho hộ nghèo. Ngoài ra, các xã còn mua máy băm, máy gặt đập liên hợp giao cho các HTX để chủ động làm đất cho nhân dân, đảm bảo việc triển khai sản xuất nông nghiệp đúng lịch thời vụ và giảm tổn thất sau thu hoạch.
Đường về xã Phổ An đạt chuẩn nông thôn mới. |
Các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn trong huyện tiếp tục đổi mới. Kinh tế HTX tiếp tục được duy trì, phát triển. Huyện đã thành lập mới 2 HTX dịch vụ khai thác hải sản xa bờ, 4 nghiệp đoàn nghề cá, 110 tổ ngư dân đoàn kết trên biển. Các tổ ngư dân đoàn kết trên biển hoạt động thiết thực, giúp đỡ nhau khi gặp rủi ro trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Giai đoạn 2011-2015, huyện Đức Phổ đã huy động đầu tư xây dựng NTM gần 519 tỷ đồng (ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ và vốn đóng góp từ nhân dân trên 17 tỷ đồng). Riêng năm 2017, toàn huyện huy động gần 263 tỷ đồng để xây dựng NTM, trong đó Trung ương hỗ trợ trên 19 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 18 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện, xã và vốn doanh nghiệp, cộng đồng dân cư đóng góp. |
Đức Phổ đã đầu tư thực hiện nhiều mô hình chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả cao, như mô hình "3 giảm 3 tăng" trong sản xuất lúa đã giảm được chi phí, tăng năng suất khoảng 5 tạ/ha so với lúa đại trà; giống bắp lai CP 333 đạt năng suất 70 tạ/ha; mô hình thâm canh bò lai chuyên thịt, trồng nấm rơm, nuôi hàu, cá nước mặn... Các mô hình này được nông dân áp dụng rộng rãi.
Năm 2017, từ nguồn ngân sách tỉnh, huyện đã hỗ trợ cho các xã gần 10 tỷ đồng để thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Kết quả, toàn huyện đã dồn điền đổi thửa 723ha, nâng tổng diện tích đã thực hiện dồn điền đổi thửa trên địa bàn Đức Phổ đến nay lên tới 1.157ha. Nhờ đó đã hình thành được nhiều cánh đồng lớn, thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nâng cao năng suất cây trồng, tăng thêm thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, các chương trình, dự án cho vay vốn, giải quyết việc làm từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH và các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả. Bình quân mỗi năm đã tạo thêm việc làm và giải quyết việc làm mới cho trên 6.000 lao động trong huyện.
Với những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của huyện trên 15% thì đến cuối năm 2015 giảm còn 4,7% và đến năm 2017 toàn huyện đã có 12/14 xã đạt tiêu chí số 11 (hộ nghèo) của Chương trình xây dựng NTM.
Nỗ lực thực hiện các tiêu chí NTM
Qua 7 năm dồn sức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay huyện Đức Phổ đã có 3 xã (Phổ Vinh, Phổ Hòa, Phổ An) đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 9 -17 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí đạt được của các xã là 13,7 tiêu chí, tăng 0,4% so với năm 2017.
Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn huyện đã được xây dựng hoàn thiện dần theo các tiêu chí về NTM. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, điện, chợ, giáo dục, y tế và các thiết chế văn hóa ở nông thôn... được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn.
Xã Phổ Thuận dồn điền đổi thửa xây dựng nông thôn mới. |
Từ năm 2012 - 2015, toàn huyện đã đầu tư xây dựng nâng cấp được 54,42km đường bê tông, nhựa hóa, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được bê tông, nhựa hóa của huyện lên 425km. Riêng năm 2017, huyện đã đầu tư gần 54 tỷ đồng thực hiện bê tông, cứng hóa 45,16km đường xã, thôn, xóm. Về thủy lợi, đã lồng ghép các nguồn vốn đầu tư nâng cấp, xây dựng mới 57 tuyến kênh mương cấp I, II, III (gần 174km). Riêng năm 2017, đã kiên cố được 31,7km kênh mương và đang đầu tư xây dựng đê Suối Cường và đê Đồng Bàu (sông Thoa) với tổng kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng.
Đến nay, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn của huyện Đức Phổ đã có bước phát triển đáng kể, hiện có 23 chợ nông thôn đang hoạt động ở 12 xã, trong đó 11 chợ hạng III và đã có 10/14 xã đạt tiêu chí chợ nông thôn. Hạ tầng kỹ thuật bưu chính - viễn thông được đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển mạnh mẽ, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị phục vụ giảng dạy đã được đầu tư theo hướng kiên cố, chuẩn hóa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học. Toàn huyện hiện có 44/51 trường đạt chuẩn quốc gia (86,3%). Công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập THCS được củng cố, duy trì. Hệ thống hạ tầng y tế được đầu tư phát triển, từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Một số trạm y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang. 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% trạm y tế xã đều đã có từ 1 - 3 bác sĩ. Tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm hơn 77%; trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn khoảng 8%. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được xây dựng; phong trào thể dục thể thao quần chúng ngày càng được phát triển sâu rộng. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn ngày càng được quan tâm, chú trọng, đã đầu tư nâng cấp 9 công trình nước sạch với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng và đã có 8/14 xã đạt tiêu chí về môi trường. Hệ thống chính trị vững mạnh và an ninh trật tự xã hội đảm bảo.
Bí thư Huyện ủy Đức Phổ Huỳnh Quý, khẳng định: Nhờ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; an ninh lương thực được đảm bảo; các hình thức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới. Phát triển nông nghiệp đã gắn với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và đô thị hóa nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; trình độ dân trí của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao. Diện mạo nông thôn của huyện ngày càng phát triển, khởi sắc theo hướng văn minh hiện đại. Tuy vậy, hiện số xã đạt chuẩn NTM của huyện chưa nhiều, nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn vốn đầu tư. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn, phấn đấu đến cuối năm 2018 huyện có thêm 2 xã về đích NTM.
Bài, ảnh: Nguyễn Khâm