(Báo Quảng Ngãi)- Có đường bờ biển dài và nhiều xã bãi ngang, thế nhưng do không có cửa biển, nên thời gian qua hoạt động khai thác thủy sản của người dân Mộ Đức gặp khó khăn. Do đó, để đánh thức tiềm năng kinh tế biển, Mộ Đức đã xây dựng đề án thông luồng cửa Đức Lợi và hồi sinh vùng nuôi tôm, nhằm mở ra cơ hội phát triển kinh tế ở các xã bãi ngang.
Hồi sinh vùng nuôi tôm
Huyện Mộ Đức có 110ha nuôi tôm, nhưng do môi trường nuôi bị ô nhiễm, dẫn đến dịch bệnh liên tục xảy ra, người nuôi tôm thua lỗ. Nhiều hộ đã phải “treo hồ” trong thời gian dài, vì không còn vốn để tái đầu tư.
Sau một thời gian “treo hồ”, người dân đã khôi phục lại nghề nuôi tôm. |
Tuy nhiên, đối với người nông dân vùng bãi ngang ven biển, nghề nuôi tôm được xem là sinh kế chính và thực tế nhiều hộ cũng đã giàu lên nhờ nghề này. Bởi thế, sau một thời gian bỏ trống hồ, người dân đã quay trở lại cải tạo, xử lý ao nuôi và đầu tư vụ nuôi tôm mới.
Rút kinh nghiệm từ những thất bại đã qua, vụ tôm năm 2017, người nuôi tôm ở Mộ Đức đã đổi mới cách nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi theo phương pháp bán công nghiệp. Trong đó, thay vì thả nuôi với mật độ dày như trước, các hộ chỉ thả nuôi thưa và kéo dài thời gian nuôi để trọng lượng con tôm đạt chất lượng, bán được giá cao.
Trưởng Phòng NN&PTNT Ngô Văn Thanh, cho biết: “Năm 2018, kế hoạch huyện giao thả nuôi 92ha tôm, nhưng hiện tại mới chỉ thả nuôi được 70ha, chủ yếu là nuôi thâm canh, nuôi thưa theo hướng chú trọng vào chất lượng với bình quân 45 con/kg khi xuất bán. Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, việc nuôi tôm của người dân đã có phần khởi sắc. Do đó, những hộ nuôi tôm ở Mộ Đức đang tập trung cải tạo ao nuôi, hồi sinh vùng tôm. Theo đó, địa phương cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi tôm theo hướng tập trung, phấn đấu năm 2018, sản lượng tôm nuôi đạt 750 tấn”.
Huyện đã trình dự án vừa làm hậu cần, vừa nạo vét thông luồng cửa biển Đức Lợi lên tỉnh và chỉ còn đợi chủ trương của tỉnh để đầu tư hạ tầng, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 50 tỷ đồng. Song song với việc hỗ trợ, huyện cũng đã kêu gọi được một số nhà đầu tư đầu tư vào cây xăng, bến cá, hầm cấp đông. Đây được xem là bước đột phá, đánh thức tiềm năng kinh tế biển của Mộ Đức. Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức TRẦN VĂN MẪN |
Song để ngành nuôi tôm phát triển theo hướng bền vững, Mộ Đức đang lập lại phương án, phục hồi lại diện tích nuôi tôm theo quy trình công nghệ cao, nhưng không lấn sâu vào đất liền và làm ảnh hưởng đến diện tích rừng phi lao ven biển để giữ nguồn nước ngọt.
Bên cạnh khôi phục lại diện tích nuôi tôm, người dân địa phương cũng đang chú trọng vào mô hình nuôi ốc hương. Bởi giá trị kinh tế từ nuôi ốc hương mang lại cao hơn gấp đôi so với nuôi tôm.
Nạo vét thông luồng cửa biển Đức Lợi
Có lợi thế về chiều dài đường bờ biển với 23 cây số, nhưng toàn huyện Mộ Đức chỉ có xã Đức Lợi là có cửa sông thông ra biển và người dân ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào nghề biển. Tuy nhiên, trong khi các địa phương khác đang phát triển thủy sản thì Đức Lợi lại bế tắc do cửa sông thông ra biển bị bồi lấp, ngư dân không thể đầu tư, nâng cấp, cải hoán và đóng mới tàu thuyền để vươn khơi.
Ông Ngô Huy, một ngư dân có thâm niên 50 năm đi biển ở thôn Kỳ Tân, xã Đức Lợi, cho biết: “Dạo trước, tôi cũng đã được phê duyệt đóng mới tàu thuyền theo Nghị định 67 của Chính phủ, nhưng cửa biển như thế này thì làm sao mà dám làm. Vậy nên khi nghe xã nói có dự án thông luồng cửa biển, tôi và nhiều bà con làm nghề biển ở đây rất phấn khởi. Nếu như luồng lạch tốt, tôi sẽ nâng cấp tàu lên trên 400CV để hành nghề xa bờ”.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Tư cũng đang háo hức chờ đợi dự án được đầu tư để người dân địa phương có cơ hội đánh bắt hiệu quả, đem lại kinh tế cao hơn. “Hiện toàn bộ số lượng tàu đánh bắt thủy sản ở Đức Lợi chỉ khoảng 30CV trở xuống. Mặc dù vậy, mỗi khi ra vào cửa biển cũng gặp rất nhiều khó khăn, gây nguy hiểm cho người và tàu. Hy vọng dự án này nhanh chóng triển khai để chúng tôi có thể đóng tàu to, tạo ra việc làm cho người dân trong xã”, ông Tư bộc bạch.
Chủ tịch UBND xã Đức Lợi Lê Minh Việt, cho biết: “Ngư nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế địa phương. Do điều kiện không thuận lợi, nên lực lượng thanh niên trong xã đi làm nghề biển ở các nơi khác rất đông với trên 600 lao động. Bình quân một năm, mỗi lao động từ biển đem về 40 -50 triệu đồng. Đó là chưa kể có những lao động có thu nhập cao trên 100 triệu đồng/năm”.
Nhận thấy những ưu điểm từ kinh tế biển, nên thời gian qua Đức Lợi đang nỗ lực tìm phương án để phát triển nghề biển trở lại. Nhưng muốn làm được điều này, thì chỉ có cách là khơi thông luồng lạch cửa biển. Bởi thực tế có rất nhiều ngư dân có điều kiện để cải hoán, nâng cấp tàu thuyền đi đánh bắt khơi xa, nhưng cửa biển bồi lấp, tàu có công suất lớn không thể ra vào. Theo đó, cách thức thực hiện là từ kinh phí dự án, địa phương sẽ mua hoặc thuê xà lan để nạo hút và giao cho người dân giám sát.
Cơ hội để dịch vụ hậu cần phát triển
Từ bao đời nay, Đức Lợi có nghề làm nước mắm truyền thống, nhưng để có nguồn nguyên liệu, người dân phải đến các địa phương khác như Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Sa Huỳnh (Đức Phổ) để thu mua cá, dẫn đến chi phí tăng cao.
Một khi cửa biển thông luồng, có bến cá, các dịch vụ hậu cần phát triển thì tàu thuyền ở các địa phương khác sẽ cập cảng Đức Lợi. Kéo theo đó, nghề làm nước mắm sẽ phục hồi nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Và về lâu dài, sản phẩm nước mắm Đức Lợi sẽ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
Cửa biển Đức Lợi một khi được thông luồng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế biển. |
Theo Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Trần Văn Mẫn, phát triển kinh tế biển của Mộ Đức đầu tiên phải đột phá từ Đức Lợi và cũng là con đường tất yếu để phát triển Đức Lợi, ngoài ra không còn con đường nào khác. Sau khi đánh giá lại, huyện cho rằng có thể đầu tư, nạo vét thường xuyên cửa biển để tàu thuyền thuận lợi ra vào.
Hơn nữa, ưu điểm của bãi ngang ven biển là đánh bắt gần bờ, nên thủy sản tươi ngon. Thế nhưng, do tàu thuyền ra vào phải dựa vào con nước thủy triều, trong khi thủy triều lên vào buổi chiều thì tàu đi đánh bắt ven bờ lại vào bờ lúc buổi sáng, lúc này thủy triều lại xuống khiến tàu không thể cập bờ được. Không cập bờ kịp thời, đồng nghĩa với việc thủy sản không đảm bảo được độ tươi ngon, dẫn đến giá trị thấp. Vậy nên thông luồng cửa biển là điều cần thiết phải làm.
Sắp tới, Mộ Đức sẽ triển khai mô hình nuôi hải sâm tại xã Đức Lợi và chuyển giao công nghệ cho một số người dân thực hiện. Kinh tế biển không thể không gắn liền với kinh tế vùng. Do đó, bên cạnh phát triển kinh tế biển, huyện Mộ Đức đang tập trung kêu gọi thu hút đầu tư vào các dịch vụ hậu cần nghề cá, cũng như các dự án nông nghiệp ở vùng đất cát ven biển, tạo ra vùng kinh tế kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Bài, ảnh: HỒNG HOA