Chủ tàu khổ sở vì thiếu lao động đi biển

10:03, 08/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Để giúp thuyền viên gắn bó với mình, nhiều chủ tàu đã vay mượn, ứng tiền của đầu nậu để cho bạn thuyền mượn, vui Xuân đón Tết. Tuy nhiên, sau Tết, nhiều ngư dân vẫn chưa quay lại công việc, hoặc “nhảy” sang các tàu cá khác. Điều này khiến nhiều chủ tàu thiếu lao động đi biển, phải cho tàu nằm bờ và vất vả đi đòi nợ.

Ra ngoài tỉnh tìm thuyền viên

Thời tiết khá thuận lợi để ra khơi, thế nhưng từ sau Tết đến nay, tàu của thuyền trưởng Võ Văn Lựu, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) phải chịu cảnh nằm bờ, vì không đủ thuyền viên. Quá nóng ruột vì đang vụ đánh bắt cá chính trong năm, thuyền trưởng Võ Văn Lựu phải vào Khánh Hòa để tìm người đi biển, đồng thời tìm cách đòi lại số tiền 187 triệu đồng đã cho các ngư dân ở Khánh Hòa mượn để sắm Tết.

Chủ tàu Huỳnh Thanh, ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) dù bị thuyền viên quỵt tiền và thiếu lao động, nhưng vẫn phải cho tàu ra khơi.
Chủ tàu Huỳnh Thanh, ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) dù bị thuyền viên quỵt tiền và thiếu lao động, nhưng vẫn phải cho tàu ra khơi.


Chủ tàu Võ Văn Lựu cho biết: "Khai thác hải sản ngày càng khó khăn. Tuy nhiên, để san sẻ khó khăn chung với anh em, trước Tết tôi phải chạy vạy khắp nơi để cho họ mượn mỗi người một ít, nhằm có thêm điều kiện về lo Tết cho gia đình. Khi mượn ai cũng cam kết sau Tết sẽ quay trở lại đi biển cho tôi. Số tiền nợ sẽ được trừ dần sau mỗi chuyến biển. Nhưng đến giờ gọi điện thì nhiều bạn tàu không hồi âm. Mình giờ nợ chồng chất, mà tàu thì không ra khơi được, vì thiếu lao động!".

Vội vã chuẩn bị nhu yếu phẩm tại cảng Sa Kỳ để xuất bến vào tuần tới, chủ tàu Huỳnh Thanh, ở thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn) than thở: "Tàu mình đánh bắt khơi xa dài ngày, phải có khoảng 12 người mới đủ lao động. Nhưng giờ số lao động chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thiếu bạn tàu, áp lực công việc sẽ tăng lên gấp bội, nhưng giờ để tàu nằm bờ, thì phải chịu cảnh thua lỗ. Trước đó, tôi đã cho nhiều bạn tàu mượn trên 60 triệu đồng, giờ không thấy họ quay lại đi biển như đã hứa với mình".

Khó xử lý

Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho hay, việc ngư dân mượn tiền chủ tàu, sau đó “nhảy việc” bởi tâm lý “đứng núi này trông núi nọ”, dẫn đến nhiều chủ tàu gặp khó khăn. Song, về việc này chủ tàu và bạn thuyền tự giao ước với nhau. Phía chính quyền cũng chỉ tuyên truyền, vận động chủ tàu và ngư dân tìm tiếng nói chung trong việc “ăn chia” sau mỗi chuyến ra khơi sao cho hợp lý.

Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu Nguyễn Thanh Hùng cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu lao động đi biển sau Tết, nhiều chủ tàu trong xã đã phải chạy vạy khắp trong và ngoài tỉnh để tìm lao động. Điều này cũng có nguyên nhân khi số lượng tàu cá ngày một tăng, thì nhu cầu cần lao động đi biển cũng sẽ tăng theo. Vì thế, các chủ tàu cũng cần tính đến số lượng và chất lượng nguồn lao động đi biển.

Tình trạng thiếu hụt lao động đi biển không chỉ xảy ra sau Tết, mà trên thực tế, sau mỗi chuyến ra khơi, nhiều chủ tàu phải chạy đôn chạy đáo tìm bạn thuyền. Việc chủ tàu giữ chân lao động bằng cách cho thuyền viên ứng trước tiền là giải pháp tình thế. Thực trạng nguồn lao động trẻ đi biển ngày càng khan hiếm. Bởi vậy, về lâu dài Nhà nước cần có chính sách đặc thù trong việc đào tạo nguồn lao động đi biển, cũng như những chính sách thu hút lao động với nhiều ưu đãi hơn so với hiện nay.
 

Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 


.